Quan hệ Trung - Ấn đã xấu đi nghiêm trọng sau đụng độ biên giới, khiến căng thẳng lan sang những lĩnh vực khác và nhiều khả năng tiếp tục "băng giá" trong năm sau.
Một trong những sự kiện nổi bật trong năm 2020 ở châu Á là cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai đều tuyên bố chủ quyền hồi tháng 6. 20 lính Ấn Độ thiệt mạng trong khi Trung Quốc không xác nhận thương vong ở phía mình. Đây là lần đụng độ gây chết người đầu tiên ở biên giới hai nước kể từ năm 1975. Sự kiện này đã định hình mối quan hệ giữa hai "ông lớn" châu Á trong năm qua.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị ở Trung Quốc năm 2017. Ảnh: AFP.
"Quan hệ Trung - Ấn đã rẽ sang bước ngoặt nguy hiểm sau cuộc đụng độ biên giới. Nó khiến Ấn Độ phải suy nghĩ lại và điều chỉnh lại chiến lược của mình đối với Trung Quốc", Purnendra Jain, giáo sư về Nghiên cứu châu Á tại Đại học Adelaide, Australia, nói với *********. Ông cho biết không chỉ dư luận ở Ấn Độ trở nên tiêu cực về Trung Quốc mà nhiều người từng ủng hộ xích lại gần Bắc Kinh giờ chuyển sang thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn.
"Quan hệ Trung - Ấn đã được viết lại hoàn toàn sau đụng độ ở Ladakh", Salvatore Babones, phó giáo sư tại Đại học Sydney, nhận định.
Manoj Joshi, chuyên gia quan hệ Ấn - Trung, tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (ORF) ở New Delhi, cho rằng "Ấn Độ coi cuộc đụng độ là sự phản bội quá trình bình thường hóa được khởi xướng từ năm 1993", nhắc đến năm hai nước thiết lập thỏa thuận duy trì hòa bình ở các vùng biên giới.
Trong khi đó, Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho rằng cách nhìn của Ấn Độ về Trung Quốc đã thay đổi nhiều hơn cách nhìn của Trung Quốc về Ấn Độ sau cuộc đụng độ biên giới. "Trung Quốc vốn luôn nghi ngờ nhiều về ý định và chiến lược của Ấn Độ, vì vậy, đối với Trung Quốc, không có nhiều mất mát về tình cảm. Nhưng cảm giác tổn thương vì cảm thấy như bị phản bội dường như rõ ràng hơn ở phía Ấn Độ", bà nói.
Srikanth Kondapalli, giáo sư về nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, chỉ ra hiện không có cuộc họp thường xuyên nào giữa hai nước ngoại trừ việc tìm cách bình thường hóa tình hình ở biên giới và căng thẳng biên giới đã lan sang những mặt khác của quan hệ song phương.
Ấn Độ đã cấm hơn 200 ứng dụng Trung Quốc với cáo buộc gây phương hại chủ quyền và bảo mật dữ liệu. Ấn Độ cũng áp hạn chế đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng. New Delhi đã cho ngừng hoạt động các Viện Khổng Tử và đưa ra hạn chế thị thực đối với công dân Trung Quốc (đã được dỡ bỏ gần đây).
Sukh Deo Muni, giáo sư danh dự tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, chỉ ra rằng Ấn Độ đã quyết định giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Hợp tác 5G gần như bị đóng băng. Ấn Độ cũng phải điều chỉnh lại quan hệ với các nước láng giềng nhỏ hơn như Nepal, Sri Lanka, Maldives và Bangladesh để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
"Không loại trừ khả năng có thêm những hành động trả đũa về thương mại và công nghệ nếu tình trạng bế tắc hiện tại vẫn tiếp diễn", Jain nói.
Trong bối cảnh quan hệ Ấn - Trung và Mỹ - Trung xấu đi, giới chuyên gia cho rằng Ấn Độ có xu hướng xích lại gần Mỹ, củng cố Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Quad), diễn đàn chiến lược không chính thức của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Mặc dù không phải là liên minh quân sự chính thức như NATO, Quad được nhiều người coi là đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.
Muni nhắc đến việc hồi tháng 10 Mỹ - Ấn ký kết Thỏa thuận Hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA), tạo điều kiện cho việc chia sẻ công nghệ quân sự cao cấp, bản đồ không gian địa lý và dữ liệu vệ tinh nhạy cảm giữa quân đội của hai nước, giúp nâng cao khả năng hoạt động chính xác của tên lửa và máy bay không người lái.
"Sự gần gũi chiến lược của Ấn Độ với Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản và Australia vốn tăng cường từ trước khi xảy ra đụng độ biên giới. Nhưng kể từ sau cuộc đụng độ, Ấn Độ đã xích lại gần những nước này hơn nhiều trong các vấn đề quốc phòng và an ninh. Ấn Độ cũng đang ủng hộ Quad rõ ràng hơn, mặc dù họ tiếp tục duy trì quan điểm rằng Quad không chống lại Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác và đây không phải là một nhóm quân sự", Muni nói.
Jain đánh giá việc Ấn Độ mời Australia tham gia tập trận Malabar là dấu hiệu rõ ràng về việc New Delhi thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước quan ngại về Trung Quốc. Cuộc tập trận Malabar đầu tiên được tiến hành từ năm 1992 giữa hai nước Ấn Độ và Mỹ. Đến năm 2015, có thêm Nhật Bản với tư cách thành viên thường trực. 2020 là năm đầu tiên hải quân Australia tham gia.
"Quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn đang nhanh chóng mở rộng, đồng thời Ấn Độ đang củng cố quan hệ đối tác với Nga và Pháp. Ấn Độ cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ khu vực với các nước ASEAN, Nhật Bản hay Australia", Babones bình luận.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng tương lai quan hệ Mỹ - Ấn còn phụ thuộc vào chính sách của Biden. "Ấn Độ đã thể hiện mong muốn liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, nhưng còn nhiều điều chúng ta chưa rõ về chính sách với Trung Quốc của Biden", Yun Sun nói.
"Quan hệ Mỹ - Ấn đã được cải thiện kể từ những năm 2000 và nhiều khả năng Ấn Độ sẽ xích lại gần Mỹ nhiều hơn, mặc dù tình hình có thể không dễ dàng dưới thời Biden như dưới thời Trump, vì Trump và Modi đã có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp", Jain nhận xét.
Giới chuyên gia đánh giá Trung Quốc là một trong những yếu tố khiến Ấn Độ quyết định không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do được ký kết hồi tháng 11 bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký kết hiệp định thương mại tự do gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Ấn Độ vốn có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc và họ lo ngại về khả năng hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường Ấn Độ, tạo ra sự phụ thuộc kinh tế lớn hơn. Trong khi đó, các sản phẩm của Ấn Độ có thể không được hưởng lợi nhiều từ việc tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Kondapalli chỉ ra Ấn Độ có các Hiệp định Thương mại Tự do với ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện với Nhật Bản và Hàn Quốc nên nước này không mất nhiều nếu không tham gia RCEP. Tuy nhiên, các quốc gia như Australia, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á muốn Ấn Độ tham gia như đối trọng với Trung Quốc.
"Ấn Độ không tham gia RCEP vì họ tin rằng thỏa thuận này sẽ được sử dụng để bán phá giá hàng hóa Trung Quốc ở Ấn Độ, do đó ảnh hưởng đến các nhà sản xuất Ấn Độ. Ấn Độ ít khả năng tham gia RCEP, trừ khi nước này có được những đảm bảo vững chắc chống lại việc bán phá giá hàng hóa Trung Quốc", Joshi nói.
"Cánh cửa tham gia RCEP vẫn mở cho Ấn Độ, nhưng những thông điệp mà chính phủ Ấn Độ đã đưa ra cho thấy ít khả năng Ấn Độ sẽ sớm tham gia RCEP", Jain nói.
Các nhà quan sát có cái nhìn khá ảm đạm về tương lai quan hệ Trung - Ấn trong năm sau. "2021 sẽ là năm băng giá giữa Ấn Độ và Trung Quốc, tùy thuộc vào cách họ giải quyết căng thẳng biên giới", Kondapalli nói. Jain cũng chỉ ra hai bên đạt được rất ít tiến bộ về giải pháp và căng thẳng ở các khu vực biên giới vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, Yun Sun có cái nhìn lạc quan hơn. "Tôi nghĩ rằng vào năm 2021, chúng ta sẽ thấy mối quan hệ Ấn - Trung ổn định hơn trừ khi có bất kỳ rạn nứt đáng kể nào ở biên giới. Cả hai bên đều muốn tránh tình trạng xấu đi thêm", bà nói.
Ông Muni miêu tả quan hệ Trung - Ấn trong vài tháng tới là "chung sống đối kháng" và nhận định ngoài vấn đề biên giới, mối quan hệ còn chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài khác. "Mối quan hệ này sẽ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ thay đổi lớn nào trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Biden và mối quan hệ đang thay đổi của Nhật Bản dưới thời tân Thủ tướng", Muni nói.
Các chuyên gia nhấn mạnh dù thế nào, quan hệ Trung - Ấn rất khó có khả năng trở lại trạng thái như trước tháng 6. "Cuộc đụng độ năm nay đã khiến mối quan hệ từng được xây dựng bền bỉ rạn nứt. Ngay cả khi có thỏa thuận rút quân ở biên giới, mối quan hệ khó có thể trở lại bình thường", Joshi nhận xét.
"Khó có khả năng Trung - Ấn sẽ phục hồi lòng tin mà hai nước đã xây dựng cho đến năm nay", Babones nói.