Hàng chục quan chức cũ và đương nhiệm đã được mời tới lễ chia tay của Trump sáng 20/1, bao gồm cả những người từng chỉ trích ông gay gắt.
John Kelly, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng, cho biết ông vẫn được mời tới dự lễ chia tay của Tổng thống Donald Trump, dù từng cho biết sẽ bỏ phiếu để phế truất Trump nếu được phép.
Don McGahn, cựu cố vấn Nhà Trắng và là người từng khiến Trump tức giận vì tham gia thảo luận với nhóm của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cũng được mời tới lễ chia tay của Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, cả Kelly và McGahn đều dự kiến không tham dự sự kiện này. Thậm chí nhiều cựu phụ tá cấp cao vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Trump, như chánh văn phòng đầu tiên Reince Priebus, cũng có quyết định tương tự dù có tên trong danh sách khách mời.
Tổng thống Donald Trump lên Không lực Một trước khi khởi hành tới Harlingen, bang Texas hôm 12/1. Ảnh: AFP.
Một số lựa chọn không đi bởi yêu cầu khách mời phải đến trước 6h sáng, trong khi một số khác nói rằng muốn "tránh xa" Trump sau khi ông kích động cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1.
Danh sách khách mời không chỉ giới hạn ở các nhân viên cấp cao, khi nhiều trợ lý cấp thấp, thậm chí chưa từng tiếp xúc với Trump, cũng được mời tham dự, theo nguồn tin thân cận. Nhà Trắng từ chối bình luận về việc mời khách tham dự sự kiện.
Ông chủ Nhà Trắng sẽ tổ chức lễ chia tay ở căn cứ không quân Andrews trước khi lên chuyến bay cuối cùng với tư cách tổng thống đến khu nghỉ dưỡng Palm Beach ở bang Florida, vào thời điểm Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Trump từng nói ông ghét ý tưởng phải rời Washington với tư cách là cựu tổng thống, cũng như việc phải đề xuất với Biden về việc sử dụng máy bay Air Force One.
Tại căn cứ không quân Andrews, Trump dự kiến có màn chia tay kiểu quân đội với sự có mặt của đám đông ủng hộ. Sự kiện này được cho sẽ giống như lễ khởi hành các chuyến thăm cấp nhà nước, theo một quan chức giấu tên.