Các loại thuốc dạng xịt thường được dùng để điều trị một số bệnh đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hay hen phế quản, viêm mũi, viêm xoang... Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng biết cách sử dụng thuốc đúng kỹ thuật. Nếu không sử dụng đúng cách sẽ gây lãng phí thuốc và không đem lại hiệu quả điều trị như mong muốn.
Chú ý tới các loại bình xịt
Có 2 loại bình phun thuốc, đó là dạng bình xịt định liều (MDI) và dạng phun liên tục.
Bình xịt định liều: Khi bấm nút mở van, thuốc được đẩy ra với một liều lượng xác định và thường được dùng cho các thuốc có hiệu lực mạnh, thuốc dùng để xông hít cần đảm bảo liều chính xác. Chẳng hạn các thuốc trong điều trị hen như thuốc giãn phế quản dùng để cắt cơn hen (salbutamol, fenoterol, terbutaline), thuốc corticoid dạng hít (ICS) dùng để dự phòng cơn hen (beclometasone, budesonide, fluticasone).
Bình xịt không có van định liều: Khi bấm nút mở van, thuốc được phun ra liên tục và chỉ ngừng khi bỏ tay, nút bấm trở về vị trí ban đầu và đóng van lại.
Ưu điểm của dạng bào chế này là thuốc được phun thành những hạt nhỏ với kích thước thích hợp đến trực tiếp niêm mạc đường hô hấp nên cho tác dụng mạnh và tức thì, đồng thời giảm tác dụng phụ toàn thân so với dùng thuốc đường tiêm/uống.
Ví dụ, trong điều trị hen suyễn, nếu dùng corticoid đường uống, thuốc sẽ gây nhiều tác dụng phụ toàn thân như kích ứng dạ dày, loãng xương, tăng đường huyết, đục thủy tinh thể,... Corticoid dạng hít sẽ hạn chế được các tác dụng phụ kể trên do thuốc được phân phối trực tiếp đến nơi cần phát huy tác dụng.
Những sai lầm thường gặp
Một số sai lầm người bệnh thường mắc và các khuyến cáo để cải thiện:
Không kiểm tra thuốc: Một số loại thuốc có vạch chỉ thị liều (chẳng hạn như ventolin-HFS), khi về số 0 hay vạch đỏ tức là hết thuốc, cần phải thay lọ khác.
Không phải lúc nào việc lắc để kiểm tra xem lọ thuốc có rỗng không cũng chính xác vì mặc dù thuốc đã hết nhưng thành phần chất đẩy vẫn còn bị giữ lại bên trong lọ. Chính vì vậy, đối với loại bình không có vạch chỉ liều, bệnh nhân cần ghi lại ngày bắt đầu dùng thuốc và tính toán liều thuốc sẵn có theo số nhát xịt trung bình dùng mỗi tháng (theo chỉ định của bác sĩ) để xác định khi nào hết thuốc để thay bình xịt mới. Như vậy sẽ giảm thiểu khả năng hết thuốc lúc bệnh nhân xuất hiện cơn khó thở cấp gây nguy hiểm tính mạng.
Không lắc đều lọ trước khi sử dụng: Điều này có thể làm liều lượng thuốc không nhất quán và bình xịt kém hoạt động.
Không thực hiện động tác thở ra trước khi hít thuốc vào: Thở ra hoàn toàn (càng nhiều càng tốt) làm giảm lượng không khí trong đường thở và tăng không gian có sẵn cho không khí từ lần thở tiếp theo. Kết quả là hít vào sâu hơn bình thường, tối đa hóa cơ hội đưa thuốc đến vị trí tác dụng.
Vị trí đặt dụng cụ xịt chưa chính xác: Nhiều bệnh nhân dùng lưỡi che hết phần đầu ống trong lúc ngậm bình xịt khiến thuốc không vào được phế quản phổi mà bị kẹt lại ở miệng làm lãng phí thuốc và gây ra các tác dụng phụ tại chỗ. Bệnh nhân được khuyên nên đặt bình xịt thẳng đứng, ngẩng đầu cao hoặc hơi ngửa ra phía sau trong lúc sử dụng thiết bị xịt.
Tốc độ dòng thở không chính xác, hít vào quá nhanh hoặc quá chậm: Tổng lượng thuốc hít vào phổi bị ảnh hưởng mạnh bởi tốc độ hít vào. Các thiết bị tạo khí dung, chẳng hạn như MDI, yêu cầu hít vào chậm và ổn định để tăng sự lắng đọng ở phổi. Bản thân các thiết bị này có chất đẩy giúp giải phóng thuốc thành các hạt với tốc độ nhanh, do vậy tốc độ hít thuốc phải chậm hơn để dẫn thuốc đến đích tác dụng. Việc nín thở đủ lâu (khoảng 10 giây) làm tăng sự lắng đọng thuốc đến các vị trí tiếp nhận thuốc do tác động của trọng lực.
Xịt thuốc liên tiếp nhiều nhát mà không tạm dừng: Điều này làm bình xịt dẫn thuốc thất thường, liều không chính xác. Thông thường bệnh nhân được khuyên nên nghỉ giữa các nhát xịt khoảng 1 phút.
Không bảo quản dụng cụ xịt hay buồng đệm đúng quy cách: Bình xịt phải được bảo quản ở nơi khô mát, có nắp đậy và ống ngậm phải được lau sạch bằng vải khô. Buồng đệm cần được xem xét 6-12 tháng 1 lần để kiểm tra xem cấu trúc có còn nguyên vẹn, vỏ bên ngoài sạch sẽ và van vẫn đang hoạt động.
Các thao tác sử dụng bình xịt đúng cách
Bước 1: Tháo nắp đậy ống ngậm, kiểm tra bình xịt trước khi sử dụng lần đầu hoặc sau một khoảng thời gian không dùng.
Bước 2: Lắc đều bình xịt (4 - 5 lần) để trộn đều các thành phần trong bình.
Bước 3: Thở ra hết mức, không hít trở lại.
Bước 4: Giữ bình xịt thẳng đứng, ngậm đầu bình xịt nhưng không cắn.
Bước 5: Kết hợp động tác ấn đỉnh bình xịt để phóng thích thuốc với hít vào thật sâu, từ từ qua đường miệng.
Bước 6: Nín thở càng lâu càng tốt (ít nhất 10 giây), lấy bình xịt ra. Nếu cần xịt thêm thuốc thì đợi khoảng 1 phút rồi thực hiện lặp lại các bước từ bước 2.
Bước 7: Vệ sinh ống ngậm bằng khăn khô hoặc vải, đậy nắp dụng cụ. Súc miệng sau khi dùng thuốc để tránh thuốc thừa đọng tại khoang miệng gây các tác dụng không mong muốn như viêm họng, nấm miệng...