Thuốc lá điện tử kiểu mới với mùi thơm tinh dầu, không ám khói, gây nhầm tưởng là không độc hại đang đầu độc dần mòn giới trẻ mê chuộng sự “sành điệu”
Hút để “bằng bạn, bằng bè”?
Ngày nay, đi trên các đường phố, địa điểm công cộng, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người trẻ đang phì phèo ống thuốc lá điện tử.
Hiện nay, thị trường có ba loại thuốc lá điện tử. Đầu tiên là Vape, loại ra đời nhiều năm và có hình dáng khá giống thuốc lá truyền thống, có thể tạo mùi gần như thuốc lá và từng đợt khói dày. Loại này thường dùng cho những người muốn cai nghiện thuốc lá. Dòng thứ hai là Pod được cấu tạo đơn giản hơn Vape, sử dụng dễ, thường dùng chung với tinh dầu tạo mùi thơm nồng, gây cảm giác “mê man” hơn so với Vape, mức giá cũng rẻ hơn. Loại thứ 3 là IQOS, thuốc lá điện tử dùng loại thuốc riêng, tạo vị êm nhẹ.
Trên thị trường, hiện nay thuốc lá IQOS giá cao nhất với mức trung bình hơn một triệu đồng. Vape có giá cũng từ vài trăm đến một triệu. Còn Pod có giá trung bình 300-700 ngàn đồng. Tất nhiên, vẫn có những dòng cao cấp thuốc lá điện tử trông đẹp, bắt mắt, nhìn như xì gà đến từ các thương hiệu cao cấp, có mức giá vài triệu đến hàng chục triệu. Cạnh đó, dòng thuốc lá điện tử xài một lần hiện cũng đang được giới trẻ cực kì ưa chuộng vì nhìn “sang chảnh”, tạo khói nhiều loại thơm ngát. Mức giá của dòng này từ 150 ngàn đồng.
Thuốc lá điện tử có nhiều hình dáng, giống với thuốc lá truyền thống, xì gà hoặc ống điếu, một số khác trông giống như cây bút, USB hoặc có thiết kế hoàn toàn khác nhau. Có loại dùng một lần, có loại có thể “sạc” bằng pin điện và dùng đi dùng lại. Bên trong thuốc lá điện tử có ống chứa dung dịch. Khi sử dụng loại thuốc lá xài nhiều lần, người dùng phải bơm dung dịch đặc chế riêng cho dòng thuốc lá điện tử vào.
Có thể thấy, dù là loại nào, thuốc lá điện tử thế hệ đều có bề ngoài khá sang chảnh, bắt mắt, khói tạo mùi thơm dễ chịu. Có đủ loại mùi hương dùng cho thuốc lá điện tử tùy vào sở thích người dùng: Bạc hà, trái cây, hương hoa hoặc các mùi hương tổng hợp… Nhiều người bán thuốc lá điện tử quảng cáo “hoàn toàn không độc hại”, khiến người dùng yên tâm sử dụng thoải mái.
Đặc biệt, không chỉ nam giới mà nhiều bạn gái trẻ cũng thích sử dụng dòng thuốc lá này vì tạo cảm giác “dân chơi”, “sành điệu”. Có mặt tại công viên trước Nhà thờ Đức Bà, TP HCM, nhóm bạn Nguyễn H.T., sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP truyền tay nhau 2 ống Pod để hút. Linh A., một bạn nữ trong nhóm chia sẻ: “Mình thấy con gái hút Pod cũng hay mà, nhìn cá tính, độc lạ. Trước kia mình không muốn hút vì thuốc lá làm hôi hơi thở, ám mùi, vàng răng. Còn Pod đâu có phải thuốc lá thật, hút vào rất thơm, sảng khoái lại không độc hại”.
Nhiều nguy hại
Có thực là thuốc lá điện tử không gây nguy hiểm cho sức khỏe như nhiều người vẫn quảng cáo và như một bộ phận giới trẻ đang nhầm lẫn?
Mặc dù không có mùi thuốc lá, tạo khói thơm từ tinh dầu, nhưng hợp chất dùng trong thuốc lá điện tử được tạo từ nicotin, chất tạo hương (có trên 15,500 các loại hương liệu), propylene glycol và glycerin thực vật hoặc muối nicotin tẩm hương… hàm lượng còn có thể cao hơn cả thuốc lá thông thường. Chính vì vậy, đa phần thuốc lá điện tử tạo ra cảm giác “đã” cho người trẻ khi sử dụng. Vì nhầm tưởng về tác hại của nó, nhiều người trẻ từ không quan tâm đến thuốc lá, chỉ vì theo phong trào mà sa đà vào nghiện thuốc lá điện tử rồi chuyển sang những loại thuốc lá “nặng đô” hơn.
Nhiều loại thuốc lá điện tử dùng một lần bên trong chứa tinh dầu, vỏ ngoài lại tẩm muối nicotin để tạo cảm giác thỏa mãn cho người dùng. Nhưng đồng thời, lượng nicotin trong điếu thuốc lá điện tử cũng tăng lên nhiều lần, gây nguy hại nhiều hơn cho sức khỏe. Nếu như người hút thuốc thông thường còn được cảnh báo nhiều về ý thức để khi hút không ảnh hưởng người xung quanh thì người hút thuốc lá điện tử vì cho là “không độc hại” nên hút thoải mái trong môi trường công cộng, vô tư “đầu độc” không khí.
Cạnh đó, hiện nay thuốc lá điện tử được dùng nhiều bởi giới trẻ tại các vũ trường, quán bar, karaoke. Cơ quan cảnh sát đã phát hiện nhiều trường hợp trộn ma túy vào thuốc lá điện tử để sử dụng. Đây cũng là cái “bẫy” chết người cho những thanh niên mới bước chân vào môi trường “ăn chơi”.
Đứng trước mối nguy từ thuốc lá điện tử, hiện đã có nhiều đề xuất về việc cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng một số loại có tính chất độc hại. Trước mắt, cần nâng cao ý thức trong người trẻ, đồng thời tuyên truyền để người dùng thấy rõ được tác hại để đưa ra lựa chọn tốt cho sức khỏe, không bị lừa mị bởi vẻ đẹp và làn khói thơm nức.