Gia đình Việt tại Mỹ vượt đại dịch nhờ ngân hàng thực phẩm. Tình người trong đại dịch thật đáng quý. Dù ở đâu, mọi người cũng nên chia sẻ và lan tỏa lối sống cao đẹp này. Từ khi phải nghỉ việc, Victor Ly rất khó tìm được nguồn cung thực phẩm để chế biến những món Việt Nam mà gia đình quen dùng.
Ly, một người Việt làm nhân viên dịch vụ ăn uống tại khách sạn Aria ở Las Vegas, bang Nevada, mất việc hồi tháng 3 năm ngoái. Anh tìm đến các kho cứu trợ thực phẩm xin giúp đỡ, nhưng ở đó chủ yếu cung cấp các loại thực phẩm kiểu Mỹ.
Cuối cùng, Ly phát hiện ngân hàng thực phẩm cứu trợ của Hội đồng Phát triển Cộng đồng châu Á (ACDC), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại phố Arville. Tại đây, anh có thể nhận được những mặt hàng thực phẩm châu Á mà gia đình quen dùng như phở, gạo tám, thịt lợn ba chỉ, nước mắm, rau củ muối.
"Chúng tôi không cần phải đi mua hàng ở tiệm tạp hóa nếu tới đây nhận thực phẩm", Ly nói khi đang đợi nhận đồ tại nhà kho của ACDC vào một sáng tháng 3.
Nhờ khoản tài trợ liên bang từ đạo luật CARES, ACDC có thể cung cấp các mặt hàng thực phẩm truyền thống của người Philippines, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn vì Covid-19. Ngoài ra, họ còn hoạt động nhờ tiền và thực phẩm quyên góp, đặc biệt là những mặt hàng có nhu cầu cao như thịt, cá và gà.
"Chúng tôi cố gắng đáp ứng nhu cầu của các gia đình có nguồn gốc từ nhiều quốc gia", Louis Anderson, điều phối viên của hội đồng, người phiên dịch tiếng Việt sang tiếng Anh cho Ly, nói. "Chúng tôi cố gắng cung cấp cho họ thực phẩm cơ bản để họ tự chế biến".
ACDC đã chi hơn một triệu USD mua thực phẩm tại các chợ bán buôn và chợ bán đồ châu Á để cung cấp hàng cho kho cứu trợ. Họ đã cung cấp thực phẩm cho hơn 1.500 gia đình gặp khó khăn tới nay, theo Vida Chan Li, giám đốc kiêm người sáng lập hội đồng.
Một buổi sáng tháng 3, khoảng 15 ô tô xếp hàng dài, chờ lấy hoa quả, thịt, hải sản, rau và gạo từ ngân hàng thực phẩm của ACDC. Hội đồng phục vụ hàng hóa trong một nhà kho rộng hơn 550 m2 từ 10h tới trưa các ngày thứ ba, tư, năm, bảy theo lịch hẹn.
Ngoài phân phát thực phẩm, hội đồng còn hỗ trợ các gia đình gốc Á xin hỗ trợ nhà ở hoặc nhập quốc tịch. Các gia đình ở đây biết đến ngân hàng thực phẩm thông qua truyền thông xã hội, nhà thờ, chùa chiền hay các tổ chức tôn giáo hợp tác với hội đồng.
Người muốn nhận thực phẩm phải đăng ký trực tuyến, cung cấp thông tin về thu nhập, cũng như chứng minh Covid-19 đã ảnh hưởng tới họ như thế nào.
Shu Moller, 65 tuổi, đang chờ nhận hàng sau khi một người bạn mách cho bà về chương trình. Chồng của Moller qua đời 10 năm trước. Bà sống với mức trợ cấp an sinh xã hội 1.000 USD một tháng.
"Bà ấy rất khó khăn bởi tuổi đã cao, sống một mình, còn phải trả tiền thuê nhà, điện nước", theo Anderson, phiên dịch viên cho Moller, người chỉ biết nói tiếng Hoa. "Bà ấy chỉ mong đại dịch chóng kết thúc".
|