Biến thể Mu lưu hành chủ yếu ở Colombia và một số nước Nam Mỹ, chứa các đột biến có thể làm giảm hiệu quả của vaccine Covid-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/8 ghi nhận biến thể Mu, xuất hiện lần đầu ở Colombia, vào nhóm "biến thể đáng chú ý" (VOI). Theo định nghĩa của WHO, Mu có sự khác biệt về gene với những phiên bản trước đó của virus, đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.
Những thay đổi này có thể khiến Mu dễ lây lan hơn, gây triệu chứng nặng, trốn tránh được phản ứng miễn dịch do vaccine hoặc kém nhạy cảm với các phương pháp điều trị.
Nhóm VOI khác với khác với nhóm nguy hiểm hơn là "biến thể đáng lo ngại" (VOC). WHO đang theo dõi chặt chẽ để xem xét có nên đặt "Mu" vào nhóm VOC hay không. Danh sách VOI gồm 4 biến thể khác là Eta, Iota, Kappa và Lambda. Theo WHO, điểm đáng ngại hơn của Mu là "đặc tính trốn tránh miễn dịch". Nói cách khác, biến thể có những cơ chế nổi bật, có thể giúp virus vượt qua hàng rào bảo vệ của vaccine.
Khu vực Mu lây lan
Mu được phát hiện lần đầu ở Colombia vào tháng 1/2021, tên gọi khác là B.1621. Đến nay, nó đã xuất hiện ở 40 quốc gia, song chỉ gây ra 0,1% ca nhiễm trên toàn cầu.
Mu phổ biến nhất ở Colombia. Khi xem xét mẫu nCoV đã giải trình tự gene, giới chức cho biết 39% trong đó là biến thể Mu. Dù vậy, nước này chưa ghi nhận trường hợp nào trong 4 tuần qua.
Tại Ecuador, 13% trong số mẫu virus được phân tích là Mu. Trong 4 tuần qua, biến thể chiếm 9% ca nhiễm mới. Một tháng trở lại đây, Chile ghi nhận 40% số mẫu được phân tích là biến thể Mu.
Điều này cho thấy virus giờ đây không chỉ lưu hành trong phạm vi Colombia, mà chuyển dần sang các nước Nam Mỹ lân cận. Anh cũng phát hiện 45 trường hợp dương tính với biến thể Mu, hầu hết là người nhập cảnh. Các nhà khoa học chưa thể giải trình tự toàn bộ virus ở nước này, có thể tỷ lệ nhiễm biến thể Mu tại Anh cao hơn báo cáo.
Mức độ nguy hiểm của Mu
Câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu Mu có dễ lây lan hơn so với biến thể Delta đang chiếm ưu thế, và liệu nó có dẫn đến triệu chứng nặng hơn hay không.
Theo các nhà khoa học, Mu chứa đột biến P681H, lần đầu được phát hiện trong biến thể Alpha, có thể làm tăng khả năng lây truyền của virus. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn dang dở, chưa được giới hàn lâm bình xét chính thức. Vì vậy, không thể kết luận về vai trò của P681H với virus ở thời điểm này.
Mu cũng mang đột biến E484K và K417N, nguy cơ khiến mầm bệnh trốn tránh kháng thể. Điều này từng được chứng minh trước đó. Hai đột biến trên có trong cả biến thể Beta. Do vậy, Mu có thể mang đặc tính giống với Beta, khiến nhiều loại vaccine kém hiệu quả hơn.
Đột biến khác của Mu là R346K và Y144T. Hiện chưa rõ về ảnh hưởng của chúng đối với virus, giới khoa học cần thêm thời gian tìm hiểu về vấn đề này.
Nghiên cứu công bố trên Wiley Online Library ngày 30/7 cho thấy vaccine Pfizer kém hiệu quả hơn với biến thể Mu. Dù vậy, khả năng bảo vệ của nó vẫn mạnh mẽ.
Cuối tháng 7, truyền thông Florida báo cáo 10% mẫu virus được giải trình tự gene tại Đại học Miami là biến thể Mu. Đầu tháng 8, Reuters đưa tin 7 người được tiêm phòng đầy đủ tại viện dưỡng lão ở Bỉ tử vong sau khi nhiễm Mu.
Dù vậy, các nghiên cứu về biến thể còn chưa hoàn chỉnh. Giới khoa học chưa có câu trả lời chính thức về việc liệu Mu có khả năng lây lan nhanh và độc lực cao hơn hay không.
Giới nghiên cứu làm gì tiếp theo
Khi một biến thể được thêm vào danh sách đáng quan tâm, WHO sẽ phân tích, so sánh đặc tính của chúng với phiên bản virus đang lưu hành. Tổ chức yêu cầu các nước thành viên thu thập thông tin về tỷ lệ lây nhiễm và ảnh hưởng của biến thể đó.
Việc WHO xếp Mu vào nhóm VOI phản ánh mối quan tâm sâu sắc đến nguy cơ xuất hiện biến thể virus mới nguy hiểm hơn. Tới nay, Delta vẫn chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những nơi tỷ lệ chủng ngừa thấp. Điều này cho thấy biến thể virus có khả năng thay đổi diễn biến của đại dịch một cách nhanh chóng, đáng kể.
Mỗi khi virus tự nhân lên bên trong vật chủ, chúng tạo ra các đột biến mới. Đây là quá trình ngẫu nhiên. Song số ca nhiễm càng nhiều, cơ hội xuất hiện biến thể mới càng cao. Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để ngăn chặn virus biến đổi là tiêm chủng toàn cầu.
|