Đảo quốc gia Síp đã có chương trình thu hút đầu tư mua nhà lấy quốc tịch, nhưng đã hủy chương trình này. Hiện tại những người nhập cảnh bất hợp pháp cũng bị trục xuất khá gay gắt. Hãy cùng xem thông tin về đảo này.
Hơn 2,300 người di cư bất hợp pháp đã bị trục xuất khỏi Síp vào năm 2021, gấp đôi số lượng trong hai năm qua.
Ông Christos Andreou - người phát ngôn cảnh sát, nói với Hãng thông tấn Síp (CNA) rằng trong năm 2018, 695 vụ trục xuất đã diễn ra, trong khi năm 2019, con số này là 417. Vào năm 2020, số vụ trục xuất được thực hiện tăng gấp ba lần lên 1,272 người, và tiếp tục tăng lên 2,320 vào năm 2021.
Hình ảnh một chuyến bay trục xuất
Cảnh sát đã hợp tác với Bộ Nội vụ để tiến hành nhiều hoạt động khác nhau, đặc biệt là trong năm ngoái, để truy lùng những người nhập cư bất hợp pháp ở Síp. Ông Christos nhấn mạnh các hoạt động này diễn ra trên khắp hòn đảo, đặc biệt là ở những khu vực có rất nhiều người nhập cư. Hầu hết những người di cư bất hợp pháp đến từ các khu vực bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng ở phía bắc thông qua Ranh giới Xanh.
Chỉ trong tháng trước, Bộ Nội vụ và Ngoại giao đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam và cho hồi hương 258 công dân Việt đang lưu trú bất hợp pháp tại Síp. Chuyến hồi hương ngày 17/12/2021 là tự nguyện, và tất cả 258 người Việt đã rời Síp trên một chuyến bay đặc biệt.
“Thông qua các thỏa thuận song phương với nước thứ ba và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và châu Âu như Frontex, chúng tôi đang cố gắng tối đa hóa số người được hồi hương”, Bộ Nội vụ Síp cho biết. Bộ đang lên kế hoạch cho nhiều chuyến bay hồi hương tự nguyện trong tương lai.
Cộng hòa Síp cho biết nước này tạm dừng chương trình “Hộ chiếu vàng”, chương trình nhận nhiều chỉ trích nặng nề của cộng đồng quốc tế, khi cho phép người nước ngoài dùng tiền đầu tư vào nước này để lấy quốc tịch.
Ngày 13/10/2020, người phát ngôn chính phủ Cộng hòa Síp - Kyriakos Koushos cho biết, nước này sẽ tạm dừng chương trình cho phép người nước ngoài dùng tiền mua quốc tịch. Quyết định tạm dừng chương trình được mệnh danh là "Hộ chiếu vàng" sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11/2020.
Chương trình này của Cộng hòa Síp được triển khai từ năm 2013 cấp hộ chiếu cho người nước ngoài quyền cư trú và quyền công dân nếu họ đầu tư tối thiểu khoảng 2 triệu euro vào quốc gia này. Chương trình đã thu về cho nước này khoảng 7 tỷ euro, trong đó chủ yếu là những người có quốc tịch Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, chương trình này đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề sau khi hãng thông tấn Al Jazeera công bố tài liệu khoảng 1.400 người mua hộ chiếu để vào châu Âu từ quốc gia Nam Âu này trong giai đoạn 2017-2019.
Hãng thông tấn này cũng cáo buộc một số các quan chức cấp cao, chính trị gia và luật sư đã giúp cho các đối tượng tội phạm có được quốc tịch nước này thông qua chương trình. Theo quy định, người có hộ chiếu Cộng hòa Síp được phép đi lại, làm việc trên khắp EU và được miễn thị thực nhập cảnh tới 174 quốc gia và sử dụng các dịch vụ ngân hàng tại Liên minh châu Âu (EU).
Ủy ban châu Âu cũng nhiều lần chỉ trích Cộng hòa Síp và Malta về các quy định lỏng lẻo liên quan tới việc đầu tư đổi quốc tịch tại các quốc gia này. Cơ quan này cho rằng, các chương trình như thế có thể bị các đối tượng tội phạm lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động tham nhũng và rửa tiền. Các thành viên nghị viện châu Âu cho rằng, các chương trình kiểu này đã làm suy yếu hệ thống kiểm soát biên giới Schengen và tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến vấn đề an ninh của khối./.
VH (Theo Financial Mirror)