Theo như nhiều người dùng mạng Trung Quốc chia sẻ về cây lưỡi nhân (hay còn gọi là cây cam xũng), vì nó là vị thuốc quý có nguồn gốc từ Việt Nam thường xuyên xuất hiện trên bàn ăn của người Trung Quốc như một món rau thường ngày, khiến người Trung Quốc chê người Việt Nam phí phạm.
Món lá lưỡi nhân hầm thịt của Trung Quốc. Ảnh: Sohu
"Người Việt Nam không biết sử dụng"
"Có một loại cây có nguồn gốc từ Việt Nam và mọc phổ biến ở Việt Nam nhưng tại Trung Quốc nó được coi là dược liệu quý, được đưa vào nhân giống trồng trọt, người ta gọi nó là “cỏ ho”, đặc biệt rất được đón nhận vào mùa thu", người dùng mạng Trung Quốc chia sẻ về cây lưỡi nhân (hay còn gọi là cây cam xũng).
Theo người Trung Quốc, cây lưỡi nhân mọc phổ biến ở khu vực phía Bắc Việt Nam. "Mọc nhiều đến nỗi có thể gọi là tràn lan, có thể người bản địa không biết lợi ích của nó nên mới dẫn đến hiện tượng này". Nhờ có đường biên giới dài giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, một số người dân biên giới Trung Quốc đã sang Việt Nam và phát hiện ra cây lưỡi nhân nên đưa loài cỏ dại này về trồng ở Trung Quốc. Sau khi du nhập vào Trung Quốc, cây lưỡi nhân lan dần ra nhiều vùng như Quảng Đông, Quảng Tây v.v..
Cây lưỡi nhân có tác dụng chữa ho. Ảnh: Sohu
Sở dĩ cây lưỡi nhân có thế du nhập vào Trung Quốc vì nhiều người Trung Quốc có kiến thức về Đông y tiết lộ rằng, cây lưỡi nhân là loài dược liệu quý, dân gian gọi nó là "cỏ ho". "Chỉ cần hái vài lá lưỡi nhân, sau khi phơi khô thì sẽ là dược liệu quý, nhiều người trồng nó chỉ để lấy lá".
Tại Trung Quốc, lá lưỡi nhân được sử dụng như các loại rau thông thường. Người Trung Quốc sử dụng nó như một nguyên liệu chính trong món hầm.
Người dân vùng Quảng Đông rất thích ăn canh lưỡi nhân khi trời vào thu, đó là kiểu thời tiết khô hanh mùa thu dễ khiến khô cổ họng. Lúc này, cỏ lưỡi nhân sẽ phát huy tác dụng nhuận phổi, giảm ho, trị viêm họng.
Lưỡi nhân là cây gì?
Cây lưỡi nhân có tên khoa học là Sauropus rostratus Miq, thuộc họ thầu dầu. Nó còn có tên khác là cây cam xũng, cây lưỡi cọp, cây tai trâu v.v..., thường mọc ở ven rừng.
Cây lưỡi nhân có vị nhạt, hơi chua, tính bình. Đây là dạng cây thân thảo nhỏ thường chỉ cao 10cm-40cm, sống lâu niên. Lá mọc thành cụm ở trên cành, thường rủ xuống, dài khoảng 5cm-7cm, rộng 1,5cm-2cm, mặt trên màu xanh có gân và xung quanh các gân lá có vằn màu trắng nhìn giống lưỡi cọp, mặt dưới lá màu trắng xanh.
Hoa lưỡi nhân màu đỏ hoặc nâu tím, có 6 cánh nhìn như một cái nút áo, cuống ngắn khoảng 1cm. Thời kỳ ra hoa từ tháng 2-10.
Lá cây lưỡi nhân được coi là vị thuốc quý, thường được phơi khô, bảo quản nơi thoáng mát dùng dần. Trong Đông y, lá lưỡi nhân dùng trong các bài thuốc điều trị các bệnh như ho, viêm họng, tiêu chảy v.v...
Tại Việt Nam, cây lưỡi nhân cũng được coi là một vị thuốc nam chữa bệnh. Tuy nhiên, khác với người Trung Quốc, không nhiều người Việt Nam biết đến công dụng của nó và chúng ta ít sử dụng nó như một nguyên liệu thực phẩm hàng ngày.
Đáng chú ý là, nhiều người bệnh tại Việt Nam truyền tai nhau rằng, lá lưỡi nhân có thể chữa hở van tim. Tuy nhiên, đây là thông tin không chính thống, thiếu cơ sở khoa học.