Sung là loại quả dân dã có nhiều ở Việt Nam, được biết đến là vị thuốc Nam quý chữa nhiều bệnh.
Sung là một cây to, không có rễ phụ. Lá sung hình mũi giáo, đầu lá nhọn, phía cuống hơi tròn hơn. Khi lá còn non, cả hai mặt đều phủ lông.
Quả sung thuộc loại quả giả, do đế hoa tự tạo thành. Quả giả mọc từng chùm trên thân cây và trên những cành to không mang lá, khi chín có màu đỏ nâu, dài 3cm, rộng 3-3,5cm, mặt quả phủ lông, cuống rất ngắn.
Đại tá Lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội), cho hay, theo y học cổ truyền, quả sung có vị ngọt, tính mát, có tác dụng hoạt huyết, kiện tỳ, ích vị, nhuận tràng. Quả sung có tác dụng sạch ruột, cải thiện chức năng tiêu hoá, tiêu viêm, thông đại tiện (ngừa táo bón).
Dù là loại quả dân dã nhưng quả sung là là vị thuốc Nam quý. Quả sung được nhắc tới nhiều với khả năng làm cho thận khỏe, loại trừ sỏi thận và làm sạch bộ máy tiêu hoá.
Quả sung - ảnh minh hoạ.
Theo Lương y Bùi Hồng Minh, có rất nhiều bài thuốc chứa quả sung giúp chữa viêm loét dạ dày còn được lưu truyền lại và đã được áp dụng thành công. Cách dùng sung làm thuốc: 10 – 20 quả sung rửa sạch, bổ đôi ngâm với nước muối pha loãng. Sau khi ngâm nước khoảng 30 phút, vớt quả sung ra để ráo nước rồi đem sao vàng và tán bột mịn. Mỗi ngày dùng 1-2 thìa bột sung uống 2-3 lần/ngày trước ăn. Duy trì uống bột sung từ 15-20 ngày bệnh sẽ thuyên giảm.
Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh, nhựa quả sung chứa một loại hoạt chất có tác dụng ức chế các tế bào ung thư như ung thư dạ dày, ung thư ruột…
"Không chỉ làm sạch bộ máy tiêu hoá, quả sung còn làm khỏe cho hai quả thận. Người bị sỏi thận dùng quả sung khô với lượng từ 50-60gram sắc uống ngày 1-2 lần. Kiên trì uống từ 2-3 tháng sỏi trong thận sẽ hết", Lương y Bùi Hồng Minh nói.
Theo Lương y Bùi Hồng Minh không chỉ quả sung có tác dụng trị bệnh mà lá, nhựa cây sung đều dễ dàng áp dụng.
Người bị ngã chấn thương bầm tím dùng hỗn hợp nhựa và lá sung non giã nhuyễn, đắp nơi sưng đau, trừ núm vú. Lưu ý không bôi lên vết thương hở.
Phụ nữ bị tắc tia sữa dùng vỏ tươi cây sung, cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài, thái mỏng, lá bồ công anh tươi, lá cây phù dung tươi, mỗi thứ 20g, thêm ít muối ăn, giã nát, đắp vào nơi sưng đau.
Nếu phụ nữ mất sữa dùng lá sung bánh tẻ, lá mít bánh tẻ, lá mơ tam thể mỗi thứ 30g, sắc uống, ngày một thang, chia hai lần uống, trước bữa ăn 1 - 2 giờ. Uống 2 - 3 tuần.
Một số bài thuốc hay từ quả sung
Chữa hen: Dùng nhựa sung hòa với mật ong uống trước khi đi ngủ.
Chữa đau đầu: Dùng nhựa cây sung phết đều lên mặt của 2 mảnh giấy và dán nhẹ vào 2 bên thái dương, sẽ có tác dụng giảm đau.
Chữa sốt rét, phong tê thấp: Vỏ cây sung, cây vú bò mỗi thứ 20g. Cả hai đem sắc, ngày một thang, uống trước bữa ăn 1 - 1,5 giờ. Uống liền 2 - 3 tuần lễ.
Chữa cơ thể mệt mỏi do khí huyết kém: Lá sung bánh tẻ 200g, hoài sơn, liên nhục, đảng sâm, thục địa, hà thủ ô đỏ, ngải cứu tươi, táo nhân mỗi vị 100g. Tất cả tán mịn, riêng ngải cứu sắc lấy nước, thêm mật ong dùng để hoàn viên các vị thuốc đã tán mịn. Người lớn uống ngày 2 - 3 lần, lượng 10 - 12 viên, trẻ em 5 - 10 viên.
Chữa mụn nhọt, sưng đau: Lấy nhựa sung tươi, bôi trực tiếp vào mụn nhọt mới lên hoặc nơi chốc lở, sưng đau, ngày bôi 2 – 3 lần. Hoặc dùng lá sung non, giã nát với nhựa sung rồi đắp vào mụn nhọt sưng, đỏ, nóng, đau, ngày vài lần.
VietBF @ Sưu tầm