Một chế độ ăn uống bất hợp lý có thể gián tiếp gây ra bệnh tật và cắt ngắn tuổi thọ của con người.
Từ khi dì Trương bước vào thời kỳ mãn kinh, cơ thể bà bắt đầu tăng cân không ngừng. Chồng bà là ông Trương lo lắng rằng sau này thể trọng của bà sẽ gây ra nhiều bệnh tật và sẽ là gánh nặng cho cuộc sống của con cái. Tuy nhiên, dì Trương thì không nghĩ vậy. Dì Trương cho rằng tăng cân không có gì đáng ngại nên không cần lo lắng.
Cân nặng quyết định tuổi thọ, sự thật hay tin đồn?
Trên thực tế, những gì ông Trương nói đều rất có lý, giữa cân nặng và tuổi thọ có một mối quan hệ nhất định. Bởi lẽ bản thân béo phì đã là một căn bệnh và béo phì còn có thể gây ra nhiều bệnh mãn tính tiểu đường, bệnh gan, bệnh tim mạch,...
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bệnh béo phì mức độ nhẹ giảm trung bình 3 đến 5 năm tuổi thọ của con người, còn nếu ở mức độ nặng, con người có thể sẽ mất đi 15 năm sống. Vì vậy, cách tốt nhất để tránh xa các bệnh mãn tính là phải duy trì cân nặng ở mức ổn định.
Cho dù béo hay gầy, thì cần đảm bảo cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Nếu lượng calo nạp vào cơ thể nhiều hơn lượng calo tiêu thụ thì cơ thể sẽ tích tụ mỡ và khiến bạn tăng cân.
BMI (chỉ số khối lượng cơ thể) là chỉ số giúp mọi người xác định cơ thể béo, gầy hay đang đạt cân nặng tiêu chuẩn. Công thức tính chỉ số BMI = cân nặng (kg) / bình phương chiều cao (m).
Càng lớn tuổi, càng dễ thừa cân?
Theo các số liệu thống kê, từ 18-24 tuổi là độ tuổi ít có nguy cơ béo phì nhất. Từ 25 tuổi trở lên thì tỷ lệ béo phì sẽ ngày càng tăng. Độ tuổi dễ bị béo phì nhất thường rơi vào khoảng từ 45-74 tuổi. Tuy nhiên, cũng có số liệu khảo sát cho rằng có một số người sẽ bắt đầu tăng cân chậm từ năm 30-39 tuổi và tăng cân nhiều nhất từ 40-49 tuổi.
Mặc dù kết quả của hai nhóm dữ liệu này khác nhau đôi chút nhưng nhìn chung, tuổi càng cao thì khả năng béo phì càng lớn. Nguyên nhân là do khi tuổi tác tăng lên, tốc độ chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể sẽ bị suy giảm, khả năng tiếp nhận năng lượng của người cao tuổi sẽ ít hơn so với khi còn trẻ, chính vì điều này, đã thúc đẩy nguy cơ gây nên bệnh béo phì.
Ngoài ra, khi tuổi càng cao, các cơ teo lại, dẫn đến năng lượng cần thiết duy trì hoạt động của cơ thể cũng sẽ giảm đi. Do đó, nếu cung cấp dư thừa năng lượng sẽ gây ra hiện tượng thừa cân và bệnh béo phì.
Chế độ ăn uống để bệnh tật 'né' xa
1. Cân bằng dinh dưỡng và tăng protein
- Lượng protein hàng ngày cần nạp vào cơ thể là khoảng 1,2-1,6 gam nhân số cân nặng.
Nếu cân nặng của bạn là 60 kg thì lượng protein cần nạp mỗi ngày nên từ 72-96 gam. Lượng protein nạp vào cơ thể trong bữa sáng nên chiếm 25 - 30% tổng lượng protein nạp vào cơ thể hàng ngày. Các nguồn thực phẩm giàu protein rất phong phú bao gồm sữa, trứng, thịt nạc, ức gà, cá,...
- Bổ sung vitamin và khoáng chất
Các loại vitamin (vitamin A, B, C, D, E, K,...) và khoáng chất (sắt, kẽm, đồng, canxi, phốt pho, i-ốt, ...) đều là các chất cần thiết đối với cơ thể. Mặc dù cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng nếu không chú ý bổ sung đầy đủ thì có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Các loại rau xanh và trái cây là những nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Điển hình như cà chua, cà rốt, cải bó xôi, cam, quýt, các loại đỗ đậu và hải sản,...
Ảnh minh hoạ: Các loại rau củ quả là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào.
- Hạn chế ăn nhiều đường
Các loại nước ngọt có ga như coca, sprite, các loại kẹo, sô-cô-la, bánh ngọt, bánh quy,... là những thực phẩm cần hạn chế trong chế độ ăn. Bởi chúng đều là những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh mạn tính như tiểu đường, mỡ máu,...
- Hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ
Các món ăn chứa quá nhiều dầu mỡ, nhiều calo có thể khiến mỡ máu tăng cao, từ đó có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim mạch vành, xơ cứng động mạch, béo phì, tiểu đường,...
2. Ăn đủ bữa
Nhiều người vì sợ tăng cân nên thường nhịn ăn tối. Tuy nhiên, hàng ngày cơ thể con người vẫn cần tiêu thụ một lượng calo nhất định, việc không ăn tối không những không giảm được cân mà còn gây hại cho sức khỏe bởi nó làm chậm quá trình trao đổi chất, suy giảm hệ miễn dịch, suy giảm trí nhớ và gây ra các bệnh về đường tiêu hoá. Vì vậy, mọi người vẫn cần tuân thủ ăn đủ 3 bữa/ngày.
Cân nặng có liên quan mật thiết đến sức khoẻ và tuổi thọ của con người. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày mọi người nên cố gắng duy trì một chế độ ăn đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng để giúp cơ thể tránh xa bệnh tật, kéo dài tuổi thọ.
VietBF @ Sưu tầm