Một độc giả rất thích ăn da gà, tuy nhiên có cần kiêng gì không? Tôi rất thích ăn da gà vì nó béo, ngon, nếu ăn không phần thịt nạc thì rất ngán. Tuy nhiên, có nhiều người khuyên nên loại bỏ hoàn toàn da gà khi chế biến. Xin hỏi bác sĩ điều này có đúng không? (Cẩm Tú, 32 tuổi, Bình Dương)
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên khoa Y học cổ truyền Đại học Y Dược TP.HCM trả lời:
Calo trong da gà và thịt gà không có khác biệt quá lớn. Calo trong da gà sẽ có nhiều hơn một chút. Tuy vậy, da gà có thể gây hại cho sức khỏe con người bởi hàm lượng chất béo bão hòa. Khi chế biến các món gà, bạn thường được khuyên lột bỏ hoàn toàn da gà.
Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu hiện nay đã khẳng định da gà không hoàn toàn là thực phẩm xấu. Thực tế trong 30 gram da gà sẽ chứa 8 gram chất béo chưa bão hòa và 3 gram chất béo bão hòa. Ăn da gà có thể tốt nếu bạn ăn đúng cách hoặc xấu nếu ăn sai cách.
Những người bị cao huyết áp nên hạn chế ăn phần da của gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, da gà có nhiều omega-6 hơn các loại thịt khác, nếu ăn lượng vừa sẽ tốt cho sức khỏe nhưng nếu dư thừa sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm.
Da gà có lợi sức khỏe nếu ăn lượng vừa phải
MINH HỌA: SHUTTTERSTOCK
Da vịt cũng tương tự như da gà. Ngoài ra, da vịt còn là nguồn cung cấp Glycine là một loại axid amin quan trọng và có nhiều vai trò trong cơ thể, ví dụ như chữa lành vết thương, thúc đẩy một giấc ngủ ngon... Mỗi 100 gram thịt vịt (tính luôn da) có thể cung cấp khoảng 1614 mg loại axid amin này.