Hiệp hội Ung thư Mỹ, Viện Ung thư Quốc gia Mỹ không cho rằng đường gây ung thư mà ăn nhiều đường có liên quan đến béo phì, tiểu đường.
Các tế bào trong cơ thể dù là tế bào ung thư hay không đều sử dụng đường (glucose) để làm năng lượng. Nhưng tế bào ung thư sử dụng nhiều đường hơn so với tế bào bình thường. Các khối u bắt đầu từ các tế bào vảy (những tế bào mỏng, phẳng) trong phổi sẽ hấp thụ nhiều glucose hơn nữa.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ và Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, không có bằng chứng thuyết phục cho thấy, ăn đường sẽ khiến ung thư phát triển, lây lan nhanh hơn hoặc việc cắt giảm đường trong chế độ ăn uống sẽ ngăn ngừa được nguy cơ mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chế độ ăn nhiều đường là lành mạnh. Việc tiêu thụ quá nhiều calo từ đường có liên quan đến tăng cân, béo phì, tiểu đường, tất cả đều là những yếu tố nguy cơ làm phát triển ung thư.
Tế bào mỡ giải phóng các protein gây viêm được gọi là adipokine. Chúng có thể làm hỏng DNA và cuối cùng gây ra các khối u. Một người càng có nhiều tế bào mỡ thì càng có nhiều protein. Người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc ít nhất 13 loại ung thư, bao gồm ung thư vú, gan và ruột kết.
Ngay cả khi đường không là nguyên nhân gây ung thư thì bạn vẫn nên ăn ít đường hơn. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, phụ nữ không nên dùng quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày và 9 muỗng cà phê nếu là nam giới.
Đường có lợi khi đưa vào chế độ ăn uống lành mạnh, tránh dùng nhiều hơn 6-9 muỗn cà phê mỗi ngày. Ảnh: Freepik
Lượng đường mà tế bào cần đến từ chế độ ăn uống không chỉ từ những món tráng miệng thơm ngon, chocolate mà chúng còn được tìm thấy trong trái cây (fructose), các sản phẩm từ sữa (lactose), carb như bánh mì, mì ống, cơm...
Một số người thắc mắc về việc ăn nhiều trái cây có được không vì chúng thường chứa nhiều đường fructose. Phó giáo sư Peiying Yang tại Trung tâm Ung thư MD Anderson ở Houston, Mỹ chia sẻ trên tờ Web MD, ăn trái cây như một phần của chế độ ăn lành mạnh là tốt nhưng nên ăn ít trái cây hơn rau. Nếu khẩu phần được khuyến nghị là năm phần trái cây và rau mỗi ngày thì ít nhất ba phần nên là rau.
Người lớn, trẻ em nên hạn chế đường, sirô ngô có hàm lượng fructose cao trong nước ngọt, trà có đường, đồ uống thể thao và thực phẩm chế biến, kẹo, bánh quy, kem và ngũ cốc ăn sáng có đường. Có thể rất khó để theo dõi tất cả lượng đường mà một người ăn vào mỗi ngày. Đường có thể ẩn chứa trong những thực phẩm mà bạn không ngờ tới như súp, nước xốt salad, bơ đậu phộng, sữa chua, tương cà, bột yến mạch ăn liền, sữa hạt và xúc xích. Nó thậm chí không được gọi là đường (sucrose) trên nhãn. Có hơn 60 tên cho lượng đường thêm vào như maltose, dextrose, glucose, chúng thường kết thúc bằng "ose".
Trong quá trình điều trị và phục hồi ung thư, cơ thể người bệnh cần năng lượng. Nếu bệnh nhân ung thư đang hạn chế nhiều thực phẩm và loại bỏ đường trong chế độ ăn uống thì bạn có thể đang tự lấy đi nguồn năng lượng cần thiết để chống lại căn bệnh này. Do đó, để xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp với tình trạng bệnh, người bệnh nên nói chuyện với bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia về dinh dưỡng.