Cha mẹ xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, không tùy tiện cho trẻ sử dụng các sản phẩm chứa nội tiết tố, mỹ phẩm.
Dậy thì là giai đoạn trẻ có sự tăng trưởng vượt bậc về chiều cao, cân nặng, kèm theo những thay đổi về tâm sinh lý, nội tiết... Thời điểm dậy thì ở mỗi trẻ có thể khác nhau, tuy nhiên, độ tuổi dậy thì của trẻ thường rơi vào khoảng 8-13 tuổi ở trẻ gái và 9-14 tuổi ở trẻ trai.
Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ chuyên khoa II - Đinh Thị Kim Liên - Bác sĩ dinh dưỡng tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết, để hạn chế, ngăn ngừa dậy thì sớm ở trẻ, bố mẹ nên giữ cân nặng của trẻ ở mức phù hợp, hạn chế các loại thức ăn giàu đường, chất béo, tránh sử dụng mỹ phẩm sớm, kịp thời điều trị các bệnh liên quan nếu có (bệnh tuyến giáp hoặc hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh)... Đặc biệt, tránh tùy tiện cho trẻ dùng các thuốc nội tiết tố, thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm khác có thể chứa estrogen hoặc testosterone, trừ khi được bác sĩ kê đơn hoặc chỉ định.
Cha mẹ cần chú trọng vai trò của dinh dưỡng và vận động đối với trẻ dậy thì sớm nhằm giúp bé khỏe mạnh, phát triển tối ưu. Trẻ cần được cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm như chất đạm, chất béo, tinh bột, canxi, chất sắt, kẽm, các vitamin và khoáng chất...
"Mỗi ngày cơ thể trẻ cần từ 2.200 - 2.400 calo, tương đương với người trưởng thành. Nếu trẻ không hấp thu đúng và đủ lượng calo này sẽ gây thiếu hụt dinh dưỡng, chậm hoàn thiện và phát triển các bộ phận cơ thể", bác sĩ Kim Liên cho biết.
Bên cạnh đó, trẻ dậy thì sớm cần uống đủ nước vì nước cần thiết cho mọi hoạt động chuyển hóa của cơ thể, khoảng 1,5- 2 lít nước mỗi ngày. Phụ huynh cũng cần hướng dẫn trẻ kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm giúp trẻ lựa chọn những thức ăn đảm bảo vệ sinh, tránh xa các loại thức ăn có thể có chứa hóa chất không an toàn.
Ngoài chế độ ăn uống, vận động khoa học cũng đóng vai trò quan trọng ở lứa tuổi dậy thì. Vận động đúng giúp tăng cường lưu thông máu, đưa các chất dinh dưỡng đến xương cao gấp 50 lần. Ngoài ra, vận động còn kích thích các sụn tăng trưởng, đầu xương của trẻ phát triển, dài ra, giúp trẻ tăng chiều cao tối ưu. Trẻ tăng chiều cao tốt cũng là cách ngăn ngừa thừa cân béo phì, giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa về sau.
Điều quan trọng là phụ huynh cần chủ động quan sát trẻ, kịp thời nhận biết các dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ để đưa trẻ đi thăm khám. "Tại Nutrihome, chúng tôi đã hỗ trợ điều trị dinh dưỡng, tư vấn vận động cho nhiều trẻ dậy thì sớm thành công, giúp trẻ phát triển tốt nhất. Trẻ dậy thì sớm cần được đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe, đo tuổi xương, xác định mức độ cốt hóa các đầu xương và tiềm năng phát triển chiều cao của trẻ... Từ đó, giúp trẻ phát triển, tăng chiều cao tối ưu với chỉ định, phác đồ điều trị khoa học về dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi", bác sĩ Kim Liên cho biết.
Nếu trẻ dậy thì sớm, cần đối xử với trẻ bình thường, có thể đưa trẻ đến gặp chuyên gia tư vấn để trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi nói về một số điều cá nhân với nhà trị liệu, thay vì với bố mẹ, nhất là trong thời gian đầu.
Dậy thì sớm có thể khiến trẻ đối diện với nhiều rủi ro về thể trạng, sức khỏe, tâm lý.
Theo bác sĩ Kim Liên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo bé gái có các dấu hiệu dậy thì trước 8 tuổi và bé trai có các dấu hiệu dậy thì trước 9 tuổi là dậy thì sớm. Để nhận biết trẻ dậy thì sớm, bố mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu ban đầu sau đây:
Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái: ngực phát triển; mọc lông ở vùng kín, nách; tiết dịch âm đạo; có kinh nguyệt; nổi mụn trứng cá.
Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé trai: mọc lông vùng kín, nách, ria mép; phát triển cơ quan sinh dục (bìu lớn dần, màu đậm hơn, có thể xuất tinh); giọng nói trở nên ồm ồm; cổ nổi yết hầu; nổi mụn trứng cá.
Theo bác sĩ Kim Liên, tỷ lệ bé gái dậy thì sớm thường nhiều hơn bé trai, các bé ở khu vực thành thị có nguy cơ cao hơn. Ngoài ra, những trường hợp thường có nguy cơ dậy thì sớm cao hơn trẻ bình thường: trẻ bị thừa cân, béo phì; mắc bệnh tuyến giáp hoặc hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh; dùng thuốc hoặc mỹ phẩm chứa các thành phần chứa hormone giới tính estrogen, testosterone hoặc chịu tác động của bức xạ trị liệu. Ngoài ra, trẻ ăn thực phẩm chứa hóa chất, các thành phần không lành mạnh, chơi đồ chơi kém chất lượng, tiếp cận với phim, ảnh tình cảm sớm có nguy cơ dậy thì sớm.
Dậy thì sớm khiến trẻ phổng phao sớm nhưng rất nhanh sau đó sẽ bị chững lại. Trẻ sẽ thấp lùn hơn các trẻ có cùng độ tuổi. Cụ thể, theo bác sĩ Kim Liên, trẻ dậy thì sớm dễ đối mặt với hai nguy cơ dưới đây:
Mất cơ hội phát triển chiều cao tối ưu: khi dậy thì sớm, các nội tiết tố trong cơ thể trẻ được sản xuất nhiều đến mức khiến trẻ tăng trưởng sớm hơn so với các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, vì xương của trẻ trưởng thành nhanh hơn bình thường nên các đầu xương sẽ bị cốt hóa sớm và đóng khép sớm. Hậu quả là chiều cao của trẻ sẽ phát triển chậm dần, dừng lại sớm.
Theo đó, trẻ dậy thì sớm có thể mất tới 3 năm tăng trưởng chiều cao. Trẻ gái dậy thì sớm có thể lùn hơn so với bạn cùng tuổi đến 12 cm và con số này ở trẻ trai là 20 cm.
Trẻ dậy thì sớm có thể mất oan uổng 3 năm tăng trưởng chiều cao. Ảnh: Shutterstock
Trẻ dậy thì sớm có thể mất oan uổng 3 năm tăng trưởng chiều cao. Ảnh: Shutterstock
Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm: ở bé gái, chu kỳ kinh nguyệt diễn ra trước 8 tuổi sẽ dễ dẫn đến nguy cơ rối loạn nội tiết tố ở tuổi dậy thì, làm tăng nguy cơ bị hội chứng buồng trứng đa nang sau này. Dậy thì sớm còn là căn nguyên gây vô sinh và dễ bị "tấn công" bởi những căn bệnh ung thư nguy hiểm như: ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung, bệnh lý tim mạch trong tương lai...
Ngoài ra, trẻ dậy thì sớm còn dễ đối mặt với các vấn đề tâm sinh lý, xã hội như trầm cảm, tự ti, suy nghĩ tiêu cực, trẻ bị hấp dẫn bởi bạn khác giới sớm, nghĩ đến chuyện tình cảm sớm, thậm chí có nguy cơ bị lạm dụng tình dục.
Tuổi dậy thì mang ý nghĩa quan trọng đối với trẻ, đánh dấu cột mốc trẻ sẵn sàng trở thành người lớn, là tiến trình phát triển tự nhiên của trẻ. Tuy nhiên, có một số yếu tố khiến quá trình đó bị đẩy nhanh hơn gây ra hiện tượng dậy thì sớm.
|
|