Bệnh nhân ho kéo dài sau mắc Covid-19, uống thuốc không đỡ, thăm khám phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối.
Bà Phan Thị Loan, 58 tuổi, ở Hà Nội, mắc Covid-19 hồi tháng 2, ho nhiều. Bà nghĩ bị bản thân mắc di chứng hậu Covid, có thăm khám tại một bệnh viện gần nhà. Bác sĩ cho chụp X-quang phổi, chẩn đoán bị tổn thương phổi. Bà uống thuốc điều trị nhưng không đỡ.
Đến khám tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, bác sĩ chỉ định bà chụp cắt lớp vi tính, phát hiện có tổn thương ở hai bên phổi, nghi ngờ là ung thư phổi chứ không phải tổn thương do Covid-19. Bệnh nhân được làm nội soi phế quản, sinh thiết tổn thương ở niêm mạc phế quản, phát hiện mắc ung thư phổi di căn tại phổi, gan. Bệnh bước vào giai đoạn muộn nên phác đồ điều trị không tối ưu, tiên lượng rất xấu.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Phùng Thị Thơm, khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, ung thư phổi và di chứng Covid-19 có triệu chứng gần giống nhau như ho kéo dài, khó thở, mệt mỏi, gầy sút cân. Nhiều người chỉ dựa vào triệu chứng mà phán đoán mình bị di chứng Covid -19, tự mua thuốc điều trị tại nhà, dẫn đến chậm phát hiện, khiến bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn.
"Tâm lý mặc định tất cả những triệu chứng hô hấp đều là biểu hiện của hậu Covid-19 có thể gây bỏ sót nhiều bệnh nguy hiểm, chẳng hạn ung thư phổi, lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản", bác sĩ Thơm thông tin.
Hình ảnh tổn thương phổi và gan của bệnh nhân trên phim chụp cắt lớp vi tính. Nguồn: BVĐK Tâm Anh
Chuyên gia cho biết thêm, mặc dù triệu chứng giữa hậu Covid-19 và ung thư phổi có nhiều điểm tương đồng nhưng thực chất vẫn có một số khác biệt. Chẳng hạn ung thư phổi thường gây ho ra máu, giảm cảm giác thèm ăn, giảm cân không chủ ý, trong khi di chứng hậu Covid-19 thì không. Ngược lại, một số biểu hiện hậu Covid-19 như đau cơ, mất khứu giác - vị giác, tiêu chảy, đau bụng... ít khi xuất hiện ở người ung thư phổi.
Trong sàng lọc ung thư phổi, nếu chỉ sử dụng phương pháp chụp X quang rất dễ gây bỏ sót bệnh, do khối u nhỏ sẽ bị che mờ bởi xương cột sống, mạch máu hoặc bóng tim. Phương pháp sàng lọc hiệu quả là chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp, sử dụng tia X quét theo chiều cắt ngang lồng ngực, tạo ra các lát cắt mỏng cho thấy những tổn thương cực nhỏ ở phổi, hạn chế tối đa khả năng bỏ sót bệnh.
Bác sĩ Thơm khuyến cáo người dân khi có triệu chứng hô hấp không nên chủ quan, cần sớm đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa để xác định bệnh, điều trị phù hợp.
57% ca ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn sớm có thể sống thêm ít nhất 5 năm. Với giai đoạn muộn, con số này chỉ là 5%. Do đó, mỗi người cần chủ động sàng lọc ung thư phổi khi có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, thuốc lào, hút thuốc lá thụ động, hít bụi amiang, gia đình có người mắc bệnh.
Theo Guardian, thống kê mới nhất tại Anh cho thấy tỷ lệ chẩn đoán mới ung thư phổi năm 2021 đạt khoảng 60% so với thời điểm trước dịch. Trong đó số ca phát hiện ở giai đoạn đầu giảm, giai đoạn cuối tăng lên. Các chuyên gia nhận định tình hình này có liên quan đến việc người dân không đi khám được do bị cách ly, phong tỏa trong đại dịch Covid-19. Đồng thời sau dịch, nhiều người có thể nhầm lẫn giữa ung thư phổi và di chứng Covid-19.
* Tên nhân vật đã thay đổi.