Ung thư và quá trình điều trị khiến bệnh nhân mất nước; cần uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày, ăn súp, uống sữa, chọn thực phẩm như dưa hấu, rau diếp…
Mọi người đều bị mất nước mỗi ngày thông qua các chức năng tự nhiên của cơ thể như đổ mồ hôi, đi vệ sinh...Cung cấp đủ nước giúp giữ nhiệt độ cơ thể ổn định, loại bỏ chất độc hại ra ngoài, hỗ trợ kiểm soát nhịp tim, góp phần bảo vệ các cơ quan, mô và khớp. Ung thư và một số phương pháp điều trị có thể dẫn đến việc người bệnh không có đủ chất lỏng trong cơ thể. Người đang điều trị ung thư dễ bị mất nước do thuốc, phẫu thuật, xạ trị, các tác dụng phụ như tiêu chảy, nôn mửa, chán ăn... Khi đang điều trị ung thư, người bệnh cũng có thể phát triển bệnh nhiễm trùng và gây sốt. Nhiệt độ cao có thể dẫn đến thiếu hụt nước.
Những tác dụng phụ này khi nghiêm trọng có thể khiến bạn không thể ăn và uống. Dấu hiệu cho thấy cơ thể không được cung cấp đủ nước như khô miệng, lưỡi hoặc môi; chóng mặt; buồn nôn, táo bón, da khô; lưỡi sưng, khô, nứt nẻ, giảm cân nhanh, đau đầu. nước tiểu vàng sẫm hoặc ít nước tiểu...
Trường hợp mất nước nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và cần được điều trị y tế. Nó có thể gây ra các triệu chứng như khát cực độ, huyết áp thấp, sốt, tim đập loạn nhịp, ít đi tiểu hơn 8 giờ, mắt trũng. Người bệnh có thể rơi vào tình trạng như không có khả năng đổ mồ hôi, không có khả năng tiết nước mắt, mất phương hướng hoặc nhầm lẫn.
Người bệnh ung thư có thể bị mất nước mà không cảm thấy khát. Tuy nhiên, bạn nên uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày, thậm chí nhiều hơn nếu bị tiêu chảy nôn mửa. Nếu không thể uống đủ lượng cần thiết, bạn có thể thử uống thêm sữa, nước trái cây, soda, trà decaf... hoặc bất kỳ thứ gì có thể dung nạp được. Đồ uống có đá, có đường, thêm vài lát chanh... giúp tăng thêm hương vị và dễ uống hơn. Tuy nhiên, rượu và caffein cần tránh vì chúng có thể làm tăng tác động của việc mất nước.
Uống nhiều nước giúp tránh bị mất nước khi điều trị ung thư. Ảnh: Freepik
Súp, cháo, trái cây và rau củ, sữa chua đều có chứa lượng chất lỏng tốt cho sức khỏe. Người bệnh có thể chọn thực phẩm có chứa nhiều nước như rau diếp (95% là nước), dưa hấu (12% là nước), bông cải xanh (91% là nước). Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, người bệnh ung thư có thể ngậm đá bào để giảm khô miệng nếu không thể uống đủ chất lỏng. Thoa kem dưỡng da, dưỡng môi thường xuyên giúp làm mềm da và môi khô.
Làm giảm các tác dụng phụ là một phần quan trọng của việc chăm sóc và điều trị ung thư. Bác sĩ sẽ điều trị mất nước tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nó. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân uống thức uống có chứa chất điện giải để bù vào lượng chất lỏng bị mất. Người bệnh cũng có thể uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện nguyên nhân gây ra tình trạng này. Trường hợp mất nước nhiều, bác sĩ có thể cân nhắc về việc truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Bạn có thể gặp khó khăn để biết lượng chất lỏng đi vào và ra nên có thể ghi lại đã uống bao nhiêu ml và số lần bị nôn, tiêu chảy mỗi ngày. Điều này sẽ hữu ích nếu bạn phải đến bác sĩ vì các triệu chứng này.
Người bệnh ung thư trong quá trình điều trị thường cảm thấy khó ăn uống nên cố gắng ăn, uống từ chút, chia nhỏ các bữa. Vì thiếu nước và chất dinh dưỡng sẽ khiến có cơ thể mệt mỏi, lâu ngày dẫn đến suy kiệt, gây khó khăn để chống lại căn bệnh này. Bạn đừng đợi đến khi cơ thể báo hiệu khát nước mới nên uống. Uống thường xuyên hơn, nhất là trước khi tập thể dục và trước khi ra ngoài trời nắng nóng sẽ tốt cho sức khỏe. Trong thời gian điều trị bênh, dù bạn cảm thấy không khỏe những hãy chủ động uống nước để giúp cơ thể phục hồi.