Sống khỏe, sống lâu là điều bất cứ ai cũng mong muốn. Dưới đây, chuyên gia sẽ chỉ ra những điều rất đơn giản những có thể giúp bạn bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Mới đây, CNN đăng tải một bài viết về 9 thói quen có thể giúp bạn kéo dài tuổi thọ, tăng cường sức khỏe.
Trong bài viết, GS.TS William Roberts, Khoa Y học Gia đình và Sức khỏe cộng đồng, Đại học Minnesota, Hoa Kỳ, cho biết: "Các thói quen trong cuộc sống có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ".
Một chuyên gia thường xuyên hợp tác với CNN, GS.TS Leana Wen, Trường Y tế Công cộng Milken trực thuộc Đại học George Washington, Hoa Kỳ, cho biết thêm: "Tham gia vào các hoạt động thể chất và khám sức khỏe định kỳ là một trong những cách tốt để giữ gìn sức khoẻ".
"Việc chủ động xây dựng các thói quen tốt mang lại rất nhiều lợi ích, trong đó bao gồm nâng cao tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống", GS Wen nói thêm.
Trong bài viết dưới đây, các chuyên gia sẽ chỉ ra một số thói quen tốt cho sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần giúp kéo dài tuổi thọ.
1. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Khi còn trẻ, chúng ta ít có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính hơn so với khi về già. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa từ khi còn trẻ vẫn là yếu tố cần thiết và là chìa khóa để có một sức khỏe tốt. GS Wen nói: "Ví dụ khi bạn đi khám sức khỏe định kỳ, tiến hành làm các xét nghiệm sàng lọc bệnh tật và phát hiện sớm tiền tiểu đường, bạn sẽ được điều trị kịp thời để ngăn ngừa bệnh tiến triển thành tiểu đường".
Kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm cũng giúp bạn hiểu rõ tình hình sức khỏe của bản thân, giúp bác sĩ phát hiện sớm bệnh và đưa ra phương án điều trị kịp thời. Ngoài ra, GS Wen khuyên rằng: "Thời điểm tốt nhất để gặp bác sĩ không phải là khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng mà nên thường xuyên thăm khám để bác sĩ có thể nắm được tình hình sức khỏe của bạn".
Ảnh minh họa: Khám sức khỏe định kỳ giúp bạn dễ theo dõi tình trạng sức khỏe và phát hiện bệnh sớm.
2. Tham gia hoạt động thể chất
GS Wen cho biết, vận động, tập thể dục thường xuyên có thể góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ.
PGS.TS Nieca Goldberg của Trường Y khoa Grossman trực thuộc Đại học New York, Hoa Kỳ, cho biết: "Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp duy trì chức năng nhận thức, từ đó góp phần kéo dài tuổi thọ".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo một người trưởng thành khỏe mạnh nên tham gia các hoạt động thể chất với cường độ trung bình hoặc cường độ mạnh ít nhất 150 phút mỗi tuần, trong khi những người mang thai nên tập thể dục cường độ nhẹ ít nhất 150 phút mỗi tuần.
3. Duy trì chỉ số BMI cân đối
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, chỉ số khối cơ thể (BMI) là thước đo lượng mỡ trong cơ thể nhằm đánh giá cân nặng và các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn của một người.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy việc duy trì chỉ số BMI trong mức cân đối (thường là từ 18,5 đến 24,9) có thể kéo dài tuổi thọ của bạn hơn một thập kỷ do chỉ số BMI cân đôi có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa và ung thư. Để duy trì chỉ số BMI trong mức lành mạnh, bạn có thể tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên và bổ sung dinh dưỡng bằng nhiều loại thực phẩm lành mạnh.
4. Dinh dưỡng hợp lý
PGS Goldberg cho biết các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật cung cấp nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời cho cơ thể và rất tốt cho sức khỏe. Vị PGS này cho biết: "Quá trình oxy hóa có liên quan đến quá trình lão hóa của cơ thể". Quá trình oxy hóa có thể góp phần vào quá trình hình thành và tích tụ mảng bám trong thành mạch máu đồng thời gây ra một số căn bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch,...
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Medicine, để ngăn ngừa quá trình oxy hóa và kéo dài tuổi thọ, chúng ta nên chú trọng bổ sung dinh dưỡng hợp lý; ăn ít thịt đỏ và thịt đã qua chế biến; tăng cường ăn các loại trái cây, rau củ, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt. Nếu bạn xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý từ khi còn trẻ, cơ thể bạn sẽ gặt hái được nhiều lợi ích hơn. Theo đó, phụ nữ bắt đầu xây dựng chế độ ăn uống hợp lý từ những năm 20 tuổi có thể tăng thêm 10 năm tuổi thọ, trong khi nam giới bắt đầu có chế độ ăn uống hợp lý ở độ tuổi tương tự có thể kéo dài thêm 13 năm tuổi thọ.
Mỗi bữa ăn, hãy dành ra ít nhất một nửa đĩa thức ăn cho trái cây và các loại rau củ, PGS Goldberg nói. Ngoài ra, cách chế biến các món ăn cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, các món nướng hay luộc sẽ tốt hơn so với các món chiên rán.
5. Chăm sóc sức khỏe tinh thần
"Rất nhiều người bỏ quên và không chú trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, sức khỏe tinh thần lại đóng góp rất lớn vào sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống", GS Wen nói.
PGS Goldberg cho biết sức khỏe tinh thần không tốt bao gồm căng thẳng và lo lắng, có thể ảnh hưởng đến huyết áp, giấc ngủ. Để chăm sóc sức khỏe tinh thần, mọi người nên ưu tiên lựa chọn chế độ ăn uống bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế uống rượu bia và bỏ thuốc lá.
Các chuyên gia cho biết mỗi ngày bạn chỉ cần dành ra 15 phút để thực hiện một vài phương pháp giúp thư giãn đầu óc, bảo vệ sức khỏe tinh thần như hít thở sâu khi thức dậy, thưởng thức ly cà phê sáng, đi dạo, viết nhật ký và xem các chương trình giải trí. Ngoài ra, bạn cũng có thể điều chỉnh cảm xúc và nâng cao sức khỏe tinh thần bằng cách thiền. Những hoạt động này tuy nhỏ nhưng có thể giúp giảm lượng cortisol - hormone căng thẳng - giúp bạn duy trì tinh thần vui vẻ, thư giãn và thoải mái hơn.
6. Chú trọng giấc ngủ
PGS Goldberg cho biết những người ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm thường dễ bị căng thẳng, có lượng đường trong máu và huyết áp cao hơn.
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, bạn có thể thực hiện một vài mẹo như giữ cho không gian phòng ngủ yên tĩnh, điều chỉnh độ sáng của đèn, điều chỉnh độ ấm của phòng ngủ. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên cũng là một cách giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ.
7. Nói không với rượu bia
PGS Goldberg nói: "Rượu có liên quan trực tiếp đến sức khỏe tim mạch. Uống quá nhiều rượu có thể ảnh hưởng đến cơ tim và tăng nguy cơ mắc suy tim. Rượu cũng được xem là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng lượng đường trong máu và gây tăng cân".
Tránh uống quá nhiều rượu có thể kéo dài thêm ít nhất vài năm tuổi thọ của bạn bằng cách giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh mạn tính khác, một nghiên cứu năm 2020 cho thấy.
8. Không hút thuốc
"Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc một số loại bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư vú", GS Wen nói. Thuốc lá cũng là một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác, từ đó góp phần rút ngắn tuổi thọ của con người.
GS Wen khuyến cáo nếu bạn thường xuyên có thói quen hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá để duy trì sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
9. Xây dựng mối quan hệ bền chặt
Các chuyên gia cho biết việc xây dựng và duy trì kết nối với những mối quan hệ thân thiết, tích cực có thể giúp bạn giảm căng thẳng và đem lại sự thoải mái cho tinh thần cũng như cuộc sống. Các nghiên cứu của Trường Y Harvard đã chỉ ra rằng những người có mối quan hệ hòa hợp với gia đình, bạn bè mắc ít vấn đề về sức khỏe hơn, sống lâu hơn, ít bị trầm cảm và hiếm khi bị suy giảm nhận thức.
Kết
GS Wen nói: "Không thể đảm bảo rằng chúng ta sẽ luôn khỏe mạnh và không bao giờ mắc bệnh. Tuy nhiên, có lối sống lành mạnh chắc chắn là một trong những yếu tố góp phần duy trì sức khỏe và kéo dài tuổi thọ."
VietBF @ Sưu tầm