Hơi thở có mùi bất thường như ẩm mốc hoặc thức ăn ôi thiu không chỉ là dấu hiệu của bệnh răng miệng mà có thể cảnh báo dấu hiệu suy gan.
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, nó có nhiều chức năng quan trọng, trong đó có nhiệm vụ lọc chất thải ra khỏi máu. Tuy nhiên, chức năng gan có thể bị suy giảm do các bệnh lý như viêm gan, xơ gan... hậu quả từ lối sống không lành mạnh hoặc nhiễm virus, vi khuẩn.
TS.BS Trần Bảo Nghi, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, khi gan không thể lọc hết chất thải ra khỏi máu, những chất này tiếp tục theo máu di chuyển đến các cơ quan khác trong cơ thể, trong đó có phổi. Lúc này, hơi thở của người bệnh có mùi hôi do sự gia tăng hợp chất hữu cơ dimethyl sulfide, sản phẩm của các axit amin chứa lưu huỳnh chưa được lọc khỏi máu. Mùi hôi càng nặng, chức năng gan càng suy giảm nhiều.
Hơi thở có mùi như thực phẩm ôi thiu có thể do bệnh về gan. Ảnh: Shutterstock
Ngoài hơi thở có mùi hôi, các triệu chứng khác của suy gan bao gồm chán ăn, mệt mỏi, sụt cân bất thường, tiêu chảy... Nếu tình trạng suy gan tiến triển nặng hơn có thể xuất hiện các triệu chứng như:
Vàng mắt, vàng da: xảy ra khi chức năng gan suy giảm, dẫn đến tích tụ bilirubin trong máu. Đây là triệu chứng điển hình của các bệnh về gan.
Dễ chảy máu: Mật góp phần cho quá trình hấp thụ vitamin K của cơ thể. Nếu gan bị suy yếu, không sản xuất đủ mật, cơ thể không sản sinh đủ các yếu tố đông máu. Người bệnh dễ bị bầm da hoặc chảy máu niêm mạc.
Chướng bụng và phù nề chân: xảy ra khi suy giảm chức năng gan làm giảm áp lực thẩm thấu máu, tăng áp lực trong một số hệ thống mạch máu, khiến dịch bị thoát ra và ứ đọng lại tại các mô, gây phù nề mô mềm, xuất hiện tình trạng chướng bụng, người bệnh có thể cảm thấy căng tức bụng hoặc đau âm ỉ ở khu vực sườn bên phải.
Ngoài các dấu hiệu đặc trưng trên, để chẩn đoán suy gan, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan, siêu âm hoặc chụp CT bụng đánh giá tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, sinh thiết gan nhằm xác định mức độ tổn thương của gan...
Suy gan được chia làm hai loại là cấp tính và mạn tính. Trong đó, suy gan cấp tính diễn ra nhanh chóng, chức năng gan có thể bị suy giảm nghiêm trọng chỉ trong vài tuần hoặc thậm chí là vài ngày. Trường hợp thứ hai là suy gan mạn tính, phát triển chậm hơn suy gan cấp tính, mất từ vài tháng hoặc nhiều năm trước khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên.
Bác sĩ Nghi chia sẻ hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm suy gan, khôi phục hoàn toàn chức năng gan. Các biện pháp điều trị chỉ giảm tác động của các triệu chứng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh và ngăn bệnh tiếp tục phát triển. Trong trường hợp suy gan nhẹ, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc để kiểm soát bệnh. Nếu chức năng gan suy giảm nhiều, phẫu thuật thay gan có thể đặt ra. Để kiểm soát và phòng ngừa tình trạng suy gan, người bệnh cần xây dựng thói quen sống khoa học như dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế rượu bia, tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi đầy đủ, tiêm vaccine và dùng thuốc theo đúng chỉ định...
Bên cạnh suy gan, hôi miệng còn là dấu hiệu của một số bệnh khác như sỏi amidan, trào ngược dạ dày thực quản, ung thư vùng đầu cổ, nhiễm trùng mũi họng... Một số bệnh trong số này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, người bệnh không được chủ quan mà nên thăm khám bác sĩ ngay khi phát hiện hơi thở có mùi bất thường.