Có những yếu tố gây ung thư nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn như tuổi tác hay tiền sử gia đình... Tuy nhiên, có một số việc làm bạn có thể làm để chủ động thay đổi để giảm thiểu rủi ro của mình, cụ thể nhất là trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.
Thói quen ăn mặn
Ảnh minh họa
Theo chia sẻ của GS - TS Đào Văn Long, nguyên giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội, trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, ăn mặn không chỉ ảnh hưởng tới tim mạch mà còn là tác nhân thúc đẩy quá trình ung thư dạ dày. Muối được xem là thủ phạm "triệt tiêu" đường tiêu hóa của bạn.
Không phải tất cả bệnh nhân ung thư dạ dày đều là do vi khuẩn HP, nhưng những người nhiễm vi khuẩn HP có khả năng bị ung thư cao hơn. Muối làm vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.
Vi khuẩn này khi kết hợp với muối gây ra hiện tượng đứt gãy các AND của tế bào niêm mạc dạ dày, dẫn đến hiện tượng viêm loét, dị sản, loạn sản niêm mạc dạ dày, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Thích ăn thức ăn nóng
Trong rất nhiều trường hợp, các bác sĩ đã phát hiện ra rằng bệnh nhân bị ung thư hệ tiêu hóa, đặc biệt là ung thư thực quản và ung thư dạ dày, có một đặc điểm chung: Thích ăn thức ăn rất nóng, đặc biệt là rất thích ăn đồ ăn vừa lấy ra từ trong nồi.
Bình thường niêm mạc thực quản chịu được nhiệt độ 40-50 độ C. Vì vậy, nếu chúng ta ăn uống các món ăn nóng hơn có thể sẽ gây nguy hiểm, tổn thương, viêm loét và các vấn đề khác cho thực quản.
Theo một cảnh báo trong báo cáo của Trung tâm IARC thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), uống đồ uống nóng trên 65℃ có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Ăn các thực phẩm để qua đêm
Để tiết kiệm thời gian và tránh lãng phí, nhiều người có thói quen bảo quản thức ăn thừa vào tủ lạnh để ngày hôm sau ăn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, thức ăn bảo quản trong tủ lạnh vẫn bị biến đổi (tốc độ chậm hơn so với bảo quản ngoài). Vì ở nhiệt độ 5-8°C, các vi sinh vật có hại vẫn có thể phát triển và gây biến đổi protein trong thực phẩm. Quá trình này sẽ tạo ra nitrat, nitrit có hại cho cơ thể, gây nên hiện tượng nhiễm độc, ung thư.
Thói quen ăn nhanh
Từ nhiều năm, các chuyên gia dinh dưỡng vẫn đưa ra lời khuyên mọi người nên ăn chậm lại và điều này có lý do của nó. Ăn quá nhanh có thể gây ra những khó chịu nghiêm trọng như khó tiêu, thậm chí trào ngược axit. Cắn miếng quá to và nhai quá nhanh khiến cho nước bọt và các enzym không kịp tiết ra để bôi trơn và phân hủy thức ăn thành các hạt nhỏ hơn trước khi vào dạ dày. Ăn nhanh cũng khiến bạn nuốt nhiều không khí vào trong bụng, từ đó gây đầy hơi, chướng bụng, tổn thương đường tiêu hóa, thậm chí là ung thư
Ăn nhiều đồ ngọt
Đồ ngọt là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên chúng luôn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung. Bởi vì khi ăn nhiều đồ ngọt sẽ làm tăng insulin, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tế bào ung thư nội mạc tử cung hình thành và phát triển.
Ngoài ra, việc cơ thể hấp thụ lượng đường quá lớn có thể khiến phụ nữ phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Những người có thói quen ăn đồ ngọt có nguy cơ mắc UT vú cao hơn khoảng 27% so với những người có chế độ ăn uống điều độ, khoa học, không ham đồ ngọt.
Ngoài ra, ăn nhiều đồ ngọt dễ gây béo phì từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng, thực quản, thận, tuyến tụy, túi mật, buồng trứng,…