Tối 31/10, bát vàng được giới thiệu của thời vua Khải Định đạt mức 680.000 euro (16,7 tỷ đồng) trong phiên đấu giá của Millon.
Hiện vật được đặt tên Bát vàng quý hiếm, triều đại vua Khải Định (1916-1925) thuộc lô 100 trong phiên Bán hàng nghệ thuật Việt Nam có giá khởi điểm là 15.000 euro (370 triệu đồng). Sau 12 phút với 68 lần nâng giá của người mua trực tiếp và thông qua điện thoại, chiếc bát được gõ búa ở mức 680.000 euro (16,7 tỷ đồng), chưa bao gồm thuế phí, gấp 27 lần dự đoán của Millon (20.000-25.000 euro). Chủ nhân có mặt trực tiếp tại nơi đấu giá.
Bát vàng thời vua Khải Định. Ảnh: Millon
Theo thông tin của nhà đấu giá, bát có đường kính miệng 10,4 cm, cao 7 cm, nặng 456,6 g. Thân bát chạm trổ hình rồng, đáy bát khắc nổi bốn chữ (Khải Định niên tạo) ở chính giữa, lòng bát có màu nâu và được tráng một lớp thủy tinh. Bát có một vết nứt, nằm trong bộ sưu tập của một bác sĩ làm việc ở Huế vào thế kỷ 20.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết theo quan sát, đó thực sự là đồ dùng trong cung thời xưa. Bát được dùng để trưng hoa thủy tiên vào dịp Tết trong cung An Định.
Lòng bát (trái) và đế có khắc chữ nổi. Ảnh: Millon
Hiện vật đạt giá cao khác trong phiên là Kim bài quý hiếm, triều đại vua Duy Tân (1907-1916), thuộc lô 99 với mức 70.000 euro (1,7 tỷ đồng), gấp 8,7 lần mức dự đoán ban đầu. Kim bài hình chữ nhật, hai mặt trang trí chạm khắc hình rồng và cá chép quẫy lên từ sóng nước, phần diềm là hình học. Chính giữa hai mặt khắc chữ "Duy Tân ân tặng" và "Toàn quyền phủ quản lý". Hiện vật nặng 37,5 g, chiều dọc 8,6 cm, ngang 4,3 cm.
Theo bài giới thiệu trên website của Millon, kim bài hình chữ nhật thường được làm bằng ngọc, vàng hoặc bạc, nhằm thể hiện địa vị của người đeo. Các kim bài bằng vàng ban đầu được trao cho các thành viên của hoàng gia, quan lại của triều đình An Nam. Sau khi chính quyền bảo hộ của Pháp được thành lập, những kim bài này cũng được trao tặng cho các công chức của Nhà nước Pháp.
Kim bài nằm trong bộ sưu tập của ông Paul Simoni (1863-1931) - thống đốc người Pháp, ông cố của chủ sở hữu hiện tại. Paul Simoni đến Bắc Kỳ năm 1889 và làm thủ hiến tại Hà Nội, Hải Phòng. Hiện vật là một trong số kim bài mà Paul Simoni nhận được trong 25 năm làm việc trong chính quyền Pháp ở Đông Dương.
Kim bài của vua Duy Tân. Ảnh: Millon
Phiên Bán hàng nghệ thuật Việt Nam ban đầu gồm 329 hiện vật, tác phẩm nghệ thuật, trong đó có chiếc ấn vàng của vua Minh Mạng gây nhiều chú ý. Tuy nhiên, khi bắt đầu phiên, Millon thông báo dời lịch đấu giá ấn sang ngày 10/11, thay vì chiều 31/10.
Nhà đấu giá Millon thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris và có nhiều chi nhánh ở Nice (Pháp), Bruxelles (Bỉ).
VietBF@ sưu tập