Sự lan truyền rộng rãi của mốt trang điểm như đang khóc để lại nhiều tác hại. Nó ảnh hưởng đến nhóm người cần chia sẻ, tâm sự trên mạng xã hội.
Glamour chỉ ra rằng mốt trang điểm như đang khóc trở nên đáng lo ngại khi được lan truyền rộng rãi trên TikTok.
Chủ đề "crying makeup" (tạm dịch: trang điểm như đang khóc) có hơn 130 triệu lượt xem. Những video này dạy giới trẻ cách trang điểm sao cho nhìn giống như sắp khóc hoặc bị tổn thương. Video hướng dẫn thực hiện kiểu trang điểm này đạt hơn 500.000 lượt thích.
Thậm chí, xu hướng hóa thân thành một người phụ nữ đau khổ cũng được nhiều người hưởng ứng. Hashtag #SadGirlWalk có hơn 504.000 lượt xem. Các video về hình ảnh người phụ nữ nhìn đau khổ, trông ủ rũ và khoe trang phục được đăng tải.
Triệu chứng của PTSD được coi như mốt làm đẹp
Trong video được đăng tải trên TikTok, Zoe Kim Kenealy, người sáng tạo nội dung ở Boston, đưa ra hướng dẫn cách trang điểm để có vẻ ngoài giống như đang khóc nhưng vẫn đẹp.
Cô bắt đầu với son bóng cho môi, sau đó quét lớp bóng lên quanh mắt. Zoe Kim Kenealy sử dụng thêm đường kẻ mắt long lanh để khuôn mặt tỏa sáng.Chia sẻ với The Guardian, Zoe Kim Kenealy cho biết cô được truyền cảm hứng từ kiểu trang điểm của các Ulzzang (hot girl nổi tiếng ở Hàn Quốc) và những video hướng dẫn make up trên Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok).
Fredrika Thelandersson, tác giả cuốn sách 21st Century Media and Female Mental Health (Truyền thông thế kỷ 21 và sức khỏe tinh thần nữ giới), chỉ ra rằng: "Mất kết nối với xã hội là triệu chứng của PTSD (chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý). Bây giờ, nó được coi như một phương pháp làm đẹp".
Thelandersson cho biết nhiều người sử dụng mạng xã hội để bày tỏ suy nghĩ về tình trạng không ổn của bản thân và tìm đến sự hỗ trợ. Chia sẻ trên trang cá nhân giúp họ có những điều không nhận được từ hệ thống chăm sóc sức khỏe truyền thống.
The Guardian đặt ra câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu quá nhiều người giả tạo nỗi buồn bằng lối trang điểm, những giọt nước mắt giả. Xu hướng trang điểm này ảnh hưởng đến những người đang thực sự cần giúp đỡ trên mạng xã hội.
Sức khỏe tinh thần của Gen Z đang trở thành vấn đề được quan tâm. Các giai đoạn trầm cảm đối với nhóm nhân khẩu học này tăng gấp đôi từ năm 2008 đến 2019. Trong cuộc thăm dò ý kiến của sinh viên Harvard năm 2021, hơn nửa số người được hỏi cho biết họ đang cảm thấy "chán nản hoặc tuyệt vọng".
Bởi vậy, việc lan truyền xu hướng làm đẹp nhìn như đang khóc có thể để lại nhiều tác hại.
Ảnh hưởng đến những người cần giúp đỡ
Bác sĩ tâm lý Noor Mubarak đồng ý với điều này. Noor Mubarak cho biết: "Vẻ ngoài trang điểm như đang buồn, khóc này không hề mới, đã có gần 10 năm. Tuy nhiên, xu hướng này có thể khiến nhiều người kỳ thị sức khỏe tâm thần hoặc cho rằng việc phụ nữ vật lộn với tâm trạng là phóng đại cảm xúc".
Noor Mubarak cho rằng điều này đáng lo ngại vì sự kỳ thị của mọi người và nỗi sợ hãi khi không được tin tưởng trở thành rào cản, ngăn một số người tiếp cận sự hỗ trợ.
"Chúng ta sử dụng tiếng khóc để kết nối với người khác. Nghiên cứu chỉ ra hành động khóc giúp người lớn tự xoa dịu bản thân trong bối cảnh xã hội, báo hiệu cho người khác rằng họ đang cần được hỗ trợ", Noor Mubarak nhấn mạnh.
Audrey Wollen - nhà văn đặt ra thuật ngữ "sad girl theory" vào năm 2014 - từng nổi tiếng khi đề xuất việc công khai nỗi buồn là một hình thức phản đối, chống lại chế độ gia trưởng.Bên cạnh đó, phim ảnh và âm nhạc giúp hình ảnh người phụ nữ buồn, khóc thêm nổi tiếng. Những nghệ sĩ như Fiona Apple, Courtney Love và Elizabeth Wurtzel giúp trào lưu này phủ sóng vào những năm 1990.
Lần này, TikTok đang khiến xu hướng này lan rộng với tốc độ chưa từng có. Kelly Cutrone, tác giả cuốn sách If You Have to Cry, Go Outside (Nếu phải khóc, hãy bước ra ngoài), nhấn mạnh: "Thật đáng buồn khi nỗi buồn trở thành xu hướng".
Tuy nhiên, Glamour chỉ ra rằng xu hướng này vẫn tồn tại một số điểm tốt. Việc trang điểm khi khóc làm dịu đi nỗi đau, biến cuộc chiến nội tâm thành một vẻ ngoài dễ thương.
|