Nước dừa là loại đồ uống được nhiều người yêu thích, nhất là bà bầu. Tuy nhiên, sử dụng không đúng cách sẽ gây hại cho sức khỏe.
Uống nước dừa vào buổi tối
Nước dừa ngọt mát nhưng không thích hợp để uống vào ban đêm đặc biệt là đối với những người cơ thể suy nhược, huyết áp thấp. Uống nước dừa buổi tối có thể khiến cơ thể dễ bị lạnh.
Những người hoạt động thể thao không nên dùng nước dừa trước khi thi đấu vì làm cho gân cơ rã rời, không thể chạy nhanh và có sức bền được.
Bạn nên uống nước dừa vào buổi sáng hoặc buổi trưa là tốt nhất.
Uống nước dừa sau khi đi nắng dễ bị bệnh
Theo dân gian, không uống nước dừa khi vừa đi nắng về vì dễ gây "trúng gió". Các triệu chứng gặp phải khi uống nước dừa sau khi đi nắng là ớn lạnh, đầy bụng, sốt nhẹ. Nếu vừa thi đấu thể thao hoặc làm việc nặng nhọc không nên vội vàng uống nước dừa vì sẽ làm giảm sức dẻo dai và phản xạ nhanh nhẹn.
Ảnh minh họa
Trẻ 6 tháng trở lên mới được uống nước dừa
Nước dừa có công dụng tốt đối với em bé. Tuy nhiên, trẻ dưới 6 tháng hệ tiêu hóa còn non nớt do đó không thích hợp để uống nước dừa.
Khi trẻ được 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé uống nước dừa bắt đầu từ lượng nhỏ sau đó tăng dần lên. Không nên cho bé uống quá nhiều vì dễ gây đầy hơi, khó tiêu, không tốt cho hệ tiêu hóa.
Không nên uống nước dừa trong 3 tháng đầu thai kỳ
Nước dừa tốt cho bà bầu nhưng trong gia đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ không nên dùng loại nước này. Khi đó, phôi thai còn nhỏ, nước dừa tính hàn, bà bầu uống vào sẽ không tốt cho quá trình chuyển hóa, ăn uống. Ngoài ra, nước dừa có 2% chát béo, làm bà bầu khó tiêu và trầm trọng thêm các triệu chứng ốm nghén.
Sau 3 tháng đầu, bà bầu có thể uống nước dừa, có tác dụng kháng khuẩn, chống táo bón, lợi tiểu...
Không nên uống nước dừa thường xuyên
Mỗi ngày không nên uống quá 1-2 quả dừa. Ngoài ra, không nên uống thường xuyên nhất là với người thừa cân. Bởi dừa chứa nhiều năng lượng (2 quả dừa tương đương với 140 kcal, bằng nửa bát cơm). Để đốt cháy hết số năng lượng này, bạn sẽ phải đi bộ 45 phút hoặc đẹp xe 20 phút.