Cà ri không chỉ mang đến hương vị hấp dẫn mà có nhiều lợi ích như cải thiện sức khỏe tim mạch, hệ tiêu hóa và giàu chất chống oxy hóa.
Cà ri (curry) có nguồn gốc từ 2.500 trước Công nguyên. Để làm nên món ăn này, người nấu sẽ cần đến hỗn hợp bột "garam masala" gồm nghệ, hột điều màu, hột ngò, ớt khô, đại hồi, tiểu hồi, thì là, đinh hương, quế, lá thơm, tỏi khô, thảo quả... Dưới đây là những lợi ích sức khỏe của món cà ri.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Bột cà ri có thể góp phần làm giảm nguy cơ bệnh tim. Theo một nghiên cứu trên 14 người đàn ông tại Ấn Độ cho thấy những người ăn bữa ăn không có cà ri có lưu lượng máu giảm đáng kể. Ngược lại, những người ăn một khẩu phần cà ri có lưu lượng máu tăng lên. Điều này được cho là do hàm lượng chất chống oxy hóa cao của cà ri.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác trên 100.000 người cũng cho thấy những người tiêu thụ các món ăn làm từ bột cà ri từ 2-3 lần mỗi tháng hoặc ăn cà ri một lần một tuần sẽ có mức chất béo trung tính thấp hơn so với những người ít tiêu thụ cà ri.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Bột cà ri cũng có thể hỗ trợ duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh. Một nghiên cứu được tiến hành với khoảng 100.000 người tham gia và được chia làm hai nhóm ăn cà ri mỗi tuần và ăn với liều lượng ít hơn. Kết quả cho thấy những người tiêu thụ một lượng cà ri vừa phải có lượng đường trong máu thấp hơn đáng kể so với những người ăn cà ri ít hơn một lần một tháng.
Theo các nhà khoa học, lợi ích này là do hoạt chất curcumin có trong nghệ, một loại gia vị thường được sử dụng trong bột cà ri. Nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng nghệ làm giảm lượng đường trong máu.
Cà ri gà cốt dừa là món ăn được ưa chuộng tại nhiều gia đình Việt Nam. Ảnh: Freepik
Cà ri gà cốt dừa là món ăn được ưa chuộng tại nhiều gia đình Việt Nam. Ảnh: Freepik
Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư
Curcumin là một hoạt chất chính trong nghệ và là thành phần không thể thiếu trong cà ri. Từ lâu, hoạt chất này đã được biết đến nhờ khả năng đánh bật các lưới mạch máu nuôi các tế bào ung thư. Theo nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm, curcumin có thể chống lại các bệnh ung thư khác nhau, bao gồm ung thư tuyến tiền liệt, vú, ruột kết và não.
Theo một nghiên cứu ở 126 người bị ung thư đại trực tràng, việc bổ sung 1.080 mg curcumin trong 30 ngày sẽ làm tăng quá trình chết của tế bào ung thư và giảm viêm. Một số nghiên cứu khác cho biết các loại gia vị bột cà ri như ớt, rau mùi và thì là cũng có thể mang lại tác dụng chống ung thư mạnh mẽ.
Thúc đẩy sức khỏe hệ tiêu hóa
Bột cà ri thúc đẩy sức khỏe tiêu hóa nhờ chứa hai thành phần là nghệ và gừng. Nghệ có công dụng giúp tăng cường hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa hoặc các vi khuẩn lành mạnh, từ đó giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn. Trong khi đó, gừng cũng được chứng minh là loại gia vị giúp làm dịu cơn đau bụng hay giảm cảm giác buồn nôn ở phụ nữ mang thai.
Giàu chất chống oxy hóa
Cà ri chứa nhiều chất như curcumin, quercetin, pinene, lutein, zeaxanthin và cuminal, là những hoạt chất nổi trội với khả năng chống oxy hóa. Do đó, ăn cà ri sẽ giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa hoặc làm chậm các tổn thương được gây ra bởi các gốc tự do và giữ cho các tế bào của cơ thể luôn khỏe mạnh.
Theo các nhà khoa học, quá nhiều gốc tự do trong cơ thể có thể dẫn đến stress oxy hóa. Đây là một hiện tượng thường xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các chất chống oxy hóa và gốc tự do. Khi cơ thể bị stress oxy hóa sẽ dễ dẫn đến các bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư và suy giảm tinh thần.
Ngoài những tác dụng trên, cà ri còn có thể cải thiện sức khỏe của não bộ và giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer nhờ hoạt chất curcumin. Đặc biệt hơn, ăn cà ri cũng mang đến lợi ích cải thiện cảm giác no. Trong một nghiên cứu cho thấy, những người đàn ông ăn các bữa ăn có chứa 6 hoặc 12 g bột cà ri đã giảm đáng kể cảm giác thèm ăn so với những người ăn theo chế độ.
Bên cạnh đó, món ăn này cũng được cho là có đặc tính kháng nấm và kháng khuẩn nhờ chứa hai thành phần là rau mùi và thì là.
|