1/9
Sở Y tế muốn có cơ chế cho tư nhân tham gia xây dựng bệnh viện công, thu hút bác sĩ, điều dưỡng người nước ngoài về làm việc.
Nội dung được Sở Y tế kiến nghị đưa vào nghị quyết mới về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP HCM (thay Nghị quyết 54) trong công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 9/1.
Theo đó, cơ quan này đề xuất TP HCM được quy định cơ chế, chính sách để triển khai hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, thành phố có thể huy động tư nhân xây dựng cơ sở 2 của các bệnh viên đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố, còn bệnh viện công cung cấp nhân sự chuyên môn và thương hiệu bệnh viện.
Giải pháp này được cho vừa giúp giảm tải, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, vừa tạo thêm nguồn thu cho bệnh viện công và giữ chân bác sĩ trong điều kiện ngân sách hạn hẹp.
Đông đúc người dân đến khám bệnh, mua thuốc tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM (quận 5), tháng 11/2022. Ảnh: Quỳnh Tr
Bên cạnh đó, Sở Y tế muốn thành phố được trao cơ chế để có thể giao đất cho hệ thống y tế tư nhân tham gia xây bệnh viện mới với quy mô 300-500 giường. Đặc biệt ưu tiên chuyên khoa đang quá tải ở bệnh viện công như: chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, thần kinh, mắt, tai mũi họng...
Ngành y tế cũng đề nghị nghiên cứu cơ chế cho thành phố thu hút nhân lực chuyên môn (bác sĩ, điều dưỡng) từ nước ngoài để khám, chữa bệnh. Mô hình tương tự đã được thực hiện tại Qatar, trong đó tư nhân xây bệnh viện, còn toàn bộ nhân viên chuyên môn được mời từ Cuba đến làm việc.
Các đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của TP HCM khó khăn trong phát triển kỹ thuật chuyên sâu do cơ sở hạ tầng chật hẹp, xuống cấp, thiếu kinh phí, số nhân viên y tế nghỉ việc tăng.
Thành phố hiện có 128 bệnh viện với 42 giường bệnh trên vạn dân, cao hơn trung bình cả nước là 30,5. Tuy nhiên, Sở Y tế đánh giá chỉ tiêu giường bệnh trên vạn dân còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu cũng như tiêu chuẩn của các nước phát triển. Đây cũng là cơ chế cần thiết để thành phố thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khoẻ khu vực ASEAN như nhiệm vụ mà Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến 2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Chính trị đặt ra.
Những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ y tế, mạng lưới y tế tư nhân ngày càng phát triển. Riêng TP HCM hiện có 64 bệnh viện tư, nhiều hơn 16% so với bệnh viện công và 6.438 phòng khám đa khoa, chuyên khoa. .
TP HCM đang hoàn thiện nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù để kịp trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới. Nghị quyết mới đề xuất hơn 50 nội dung trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cơ chế để xã hội hoá ngành y tế, giáo dục, văn hoá - thể thao nhằm giúp thành phố đột phá.
|