Ngô Hải Nhất Minh, 20 tuổi, đã lấy bằng cử nhân của Đại học Manchester trong một năm, thay vì ba năm.
Nhất Minh tốt nghiệp khoa Điện ảnh, Phim và Kịch nghệ nhân văn của Đại học Manchester vào tháng 6/2022, sau một năm theo học, trong khi lễ tốt nghiệp dành cho sinh viên khóa học này sẽ diễn ra vào năm 2024.
Đại học Manchester nằm trong top 30 đại học tốt nhất thế giới năm 2022, theo bảng xếp hạng QS. Nam sinh cho biết, chuyên ngành của em có đặc thù riêng, được tự chọn và đăng ký các môn học theo tiêu chí của trường, của khoa. Sinh viên cũng nhận được các đề bài mở để thoả sức sáng tạo thay vì dập khuôn theo số tín chỉ, hoặc số lượng sản phẩm như các ngành khác. Nhà trường sẽ đánh giá mức độ hoàn thành chương trình đào tạo thông qua chất lượng và số lượng sản phẩm (bài luận, kịch bản, bộ phim) của từng sinh viên.
Ngô Hải Nhất Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tại đây, Minh được làm việc với các giảng viên từng đoạt giải thưởng, học lý thuyết, tìm hiểu lịch sử sân khấu, điện ảnh, và các khóa học thực tế về làm phim. Chuyên môn của khoa gồm phim tài liệu, giả tưởng và khoa học viễn tưởng.
Trong một năm học, Minh đã sáng tác nhiều tác phẩm, chủ yếu là các phim ngắn không lời thoại, hoặc kịch bản sử dụng lối chơi chữ, ẩn dụ, phóng đại gắn với kiến thức lịch sử, văn hóa. Nam sinh cũng bỏ tiền thuê diễn viên chuyên nghiệp hoặc không chuyên cho các bộ phim, vở kịch của mình.
Em từng viết kịch bản phim "Aranae, Amans, Cibus", nội dung nói về cuộc sống của một gia đình loài nhện goá phụ đen. Theo Minh, loài nhện này có một tập tính là nhện cái có thể ăn thịt nhện đực sau khi có thai để nuôi dưỡng thai nhi. Đây là nguồn gốc của các xung đột trong phim. "Nhện cái phải ăn thịt đúng con nhện đực tạo ra cái thai trong bụng, nếu sai thì cả ba đều chết. Do đó, nhện cái phải tuyệt đối chung thuỷ", Minh kể, cho biết thông điệp của bộ phim là bài học về trách nhiệm của các bậc cha mẹ, đặc biệt là lòng chung thuỷ.
Đây là một trong số 15 tác phẩm giúp Minh chinh phục được hội đồng thẩm định. Ngoài ra, Minh còn tham gia các câu lạc bộ phim, kịch nghệ, cũng như tự tìm kiếm, đăng ký hợp tác với một số câu lạc bộ phim, nhà hát kịch của thành phố Manchester và London.
Tiến sĩ Robert Watts, giảng viên ngành Truyền hình và Công nghiệp sáng tạo, nhận xét Minh là một tài năng trẻ, luôn chăm chỉ, nghiêm túc, sáng tạo, đam mê và tràn đầy nhiệt huyết. "Cường độ làm việc của Minh đôi khi có thể bằng nhiều sinh viên khác cộng lại. Tài năng và sự tận tâm đã giúp Minh hoàn thành xuất sắc chương trình đại học ba năm trong một năm, điều chưa từng có ở trường chúng tôi", vị tiến sĩ cho biết.
Nhất Minh học mẫu giáo đến hết lớp 9 tại trường quốc tế Pháp - Alexandre Yersin, Hà Nội. Học tiếng Pháp từ năm 4 tuổi, Minh có thể giao tiếp trôi chảy ngôn ngữ này và cho biết dùng được nhiều ngoại ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Nhật.
Năm 2018, Minh một mình sang Mỹ, theo học ở trường trung học phổ thông nội trú Iolani, bang Hawaii, Mỹ, với học bổng toàn phần 60.000 USD (1,37 tỷ đồng) một năm. Cuối tháng 5/2021, Nhất Minh tốt nghiệp trường này với điểm trung bình (GPA) 3.95/4.0, sau đó đỗ 5 đại học Mỹ, trong đó ba trường có chuyên ngành làm phim hàng đầu là Đại học New York, Đại học Dartmouth và Đại học Loyola Marymount.
Tuy nhiên, Minh quyết định chuyển sang Anh học vì muốn có trải nghiệm mới. Mặt khác, chương trình đại học ở Anh kéo dài ba năm thay vì bốn năm như ở Mỹ, tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Tại đây, thầy cô ở khoa nhanh chóng nhìn ra khả năng của cậu sinh viên người Việt. Minh được tin tưởng giao cho những đề tài của sinh viên năm cuối. Minh nhớ lại, trong lần đầu nộp kịch bản cho Giáo sư Sân khấu đương đại và Kịch nghệ nổi tiếng - Stephen Scott Bottoms, ông đã viết: "Kịch bản của em rất hay và ấn tượng. Tôi nghĩ tư duy của em vượt xa những sinh viên đại học khác, và sáng tạo hơn nhiều so với những sinh viên năm cuối".
Lời nhận xét đó giúp Minh tự tin hơn. Khi đó, em đã nảy ra ý tưởng tốt nghiệp sau năm đầu đại học, mặc dù có nhiều bất lợi so với các sinh viên bản địa khi họ có nền tảng sớm về ngành học, được đào tạo trong hệ thống giáo dục ở Anh từ nhỏ.
Trước đây, ở trường trung học nội trú Iolani, Minh nhận học bổng toàn phần với điều kiện luôn duy trì điểm GPA từng học kỳ trên 3.5/4.0. Nếu không đạt mức đó, học bổng sẽ bị thu hồi. Vì đã quen với áp lực, Minh cảm thấy chương trình đại học ở Anh "nhẹ nhàng hơn rất nhiều". Thêm nữa, Minh nói mình may mắn được sự nuôi dưỡng tốt từ gia đình, môi trường học tập 10 năm ở trường quốc tế Pháp và ba năm học ở Mỹ giúp em phát triển khả năng. Dù vậy, nam sinh cho rằng yếu tố quan trọng nhất là sự nỗ lực, thành công và an nhàn không thể cùng tồn tại.
"Sinh viên Việt khi học ở nước ngoài phải cố gắng gấp nhiều lần sinh viên bản địa. Nếu không, bạn khó có thể trụ được chứ chưa nói đến thành công", Minh nói. Nhất Minh thường thức giấc lúc 5h30, tập thể dục, vệ sinh cá nhân và ăn sáng, rồi lên lớp hoặc tới phim trường. Em đến phòng tập gym vào 7-9 giờ tối, rồi về học bài và làm việc đến gần một giờ sáng. Vào những dịp cao điểm, Minh tranh thủ chợp mắt rồi thức dậy từ 3h để viết, chỉnh sửa kịch bản, hoặc xem phim và nghiên cứu.
Chị Nguyễn Hải Bình, mẹ của Nhất Minh, cho biết gia đình chưa bao giờ phải thúc giục Minh trong học tập. Em độc lập, tự giác trong mọi việc. Bố mẹ chỉ việc dõi theo, đồng hành, cổ vũ và ủng hộ Minh.
Tốt nghiệp sớm hai năm, Minh đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng tiền học phí và sinh hoạt phí. Ở tuổi 19, Minh quay lại Mỹ để theo đuổi bằng đại học thứ hai, chuyên ngành Đạo diễn và Sản xuất phim. Em hy vọng trở thành nhà làm phim độc lập.
Minh cho hay, để tạo được những tác phẩm sáng tạo và thăng hoa, ngoài tài năng, công sức còn rất tốn kém tiền bạc. Nếu em sinh ra trong một gia đình không có điều kiện kinh tế thì chắc khó có thể ra nước ngoài học ngành này. "Do đó, em muốn tạo ra các lớp học trực tuyến miễn phí, các phim trường ảo để tìm kiếm và hỗ trợ những người đam mê, tài năng, nhưng không đủ khả năng chi trả cho các chương trình đào tạo trong lĩnh vực điện ảnh", Minh nói.
Theo VnExpress