Tin xấu với vàng, chứng khoán. Theo Bloomberg, mới đây, ông Raphael Bostic - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Atlanta - cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất điều hành mạnh tay hơn dự kiến sau báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ.
Quan chức Fed tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể phải tăng lãi suất mạnh tay hơn dự báo. Kịch bản này sẽ tạo sức ép lớn lên thị trường vàng và chứng khoán.
"Nếu nền kinh tế chống chịu tốt hơn dự báo, chúng ta sẽ còn nhiều việc phải làm", vị quan chức nói với Bloomberg.
Chứng khoán Mỹ vẫn đỏ lửa trong phiên giao dịch đầu tuần. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 34,99 điểm (-0,1%) xuống 33.891,02 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq mất lần lượt 25,4 điểm (-0,61%) và 119,5 điểm (-1%).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/2 trên sàn New York, giá vàng giao ngay nhích nhẹ 0,37% lên 1.867,4 USD/ounce, sau khi giảm mạnh từ mức cao nhất 9 tháng (hơn 1.950 USD/ounce).
Giá vàng giảm mạnh trong vòng một tuần qua. Ảnh: Trading Economics.
Lãi suất sẽ cao hơn dự báo
Ông Bostic cho rằng nếu mọi thứ diễn ra đúng như dự đoán, chu kỳ tăng lãi suất của Fed sẽ kết thúc với mức 5,1%, tương tự ước tính của cơ quan hoạch định chính sách của Fed trong cuộc họp tháng 12.
Trong kịch bản này, lãi suất sẽ được giữ nguyên trong năm 2024.
Điều này có nghĩa là Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm thêm 2 lần nữa rồi dừng lại. Nhưng ông Bostic cảnh báo rằng mức lãi suất cực đại có thể cao hơn dự báo 25 điểm cơ bản, thậm chí 50 điểm cơ bản.
Ông Bostic cho rằng FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - thậm chí có thể cân nhắc trở lại mức tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm/lần nếu cần thiết. Nhưng ông không nghiêng về kịch bản này.
Vị quan chức Fed khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan này là kiểm soát lạm phát. Theo ông, ngay cả khi đã tạm dừng nâng lãi suất, ngân hàng trung ương Mỹ vẫn có thể tăng trở lại.
Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023, Fed quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Trong năm 2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi giảm xuống 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12.
Thị trường lao động vẫn nóng
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 3/2, Mỹ có thêm 517.000 việc làm trong tháng 1, tăng mạnh từ mức 223.000 việc làm hồi tháng 12/2022 và bỏ xa con số được các nhà đầu tư dự báo là 187.000 việc làm.
"Khả năng tiếp đất nhẹ nhàng của nền kinh tế Mỹ sẽ rất khó xảy ra nếu thị trường lao động không hạ nhiệt", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Anh - nhận định với Zing. Thị trường lao động tăng trưởng mạnh làm dấy lên lo ngại về vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm.
Nếu giá cả không ổn định, nền kinh tế sẽ không tốt cho bất cứ ai
Chủ tịch Fed Jerome Powell
Trong họp báo sau cuộc họp chính sách ngày 1/2, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định ngân hàng trung ương vẫn "cam kết mạnh mẽ" trong việc kìm hãm lạm phát, lặp lại tuyên bố sẽ tiếp tục tăng lãi suất và nhấn mạnh về những vấn đề mà lạm phát gây ra cho người tiêu dùng và thị trường lao động.
"Nếu giá cả không ổn định, nền kinh tế sẽ không tốt cho bất cứ ai", vị chủ tịch nhấn mạnh.
Ông Powell cũng cảnh báo rằng cần phải hạ nhiệt một thị trường lao động đang quá chênh lệch giữa cung và cầu. Vị chủ tịch chỉ ra tỷ lệ trung bình 1,9 cơ hội việc làm cho mỗi người lao động chưa có việc, sát với mức cao nhất lịch sử.
Các số liệu về việc làm cho thấy khả năng chống chịu của thị trường lao động Mỹ. Tuy nhiên, mục tiêu của Fed là giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ nhằm hạ nhiệt giá cả.
Tuy nhiên, lãnh đạo Fed chi nhánh Atlanta cho rằng báo cáo việc làm của Mỹ trong tháng 1 đã làm dấy lên hy vọng về khả năng tiếp đất nhẹ nhàng của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
"Từ lâu, tôi đã nhận thấy rất nhiều động lực đằng sau đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Những động lực đó có thể đủ mạnh để hấp thụ các đợt tăng lãi suất, từ đó giúp chúng ta tránh khỏi một cuộc suy thoái", ông lập luận.
Trước đó, chủ tịch Fed cũng chỉ ra tin vui là đến nay, xu hướng thiểu phát không được đánh đổi bằng thị trường lao động.
VietBF@ sưu tập
|
|