Người thừa cân thường có dung tích phổi nhỏ, dễ bị khó thở; tiếp xúc với amiăng, sản phẩm xây dựng... cũng có thể gây ra các đợt hen suyễn, gây ung thư phổi.
Béo phì
Những người thừa cân hoặc béo phì dễ bị hụt hơi khi đi lên cầu thang hoặc thực hiện các hoạt động thể chất khác do thường có thể tích phổi nhỏ hơn, dẫn đến khó thở. Bên cạnh đó, mỡ thừa ở bụng sẽ ức chế khả năng của cơ hoành.
Khi chất béo tích tụ dưới da, các tế bào mỡ sẽ tiết ra hormone có thể gây viêm khắp cơ thể, bao gồm cả phổi. Điều này cũng ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
Để duy trì cân nặng hợp lý mỗi người nên duy trì các bữa ăn lành mạnh với thực phẩm nguyên chất, rau, trái cây, nhiều chất xơ và protein từ thực vật. Đồng thời, bạn duy trì tập thở, tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và phổi.
Căng thẳng
Trong những tình huống căng thẳng, cơ thể giải phóng các hormone như adrenaline và cortisol khiến bạn thở nhanh. Những người mắc bệnh phổi mạn tính, chẳng hạn như COPD hoặc hen suyễn, có thể gặp tình trạng khó thở, xuất hiện cảm giác hoảng sợ khi căng thẳng. Bên cạnh đó, cơ thể giải phóng nhiều cortisol cũng làm tăng cảm giác thèm ăn. Với những người hút thuốc lá, căng thẳng có thể khiến họ thèm hút thuốc hơn.
Để bảo vệ sức khỏe phổi, mỗi người nên thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, tập thể dục, không hút thuốc. Có thể giảm căng thẳng bằng cách ngủ đủ giấc vào ban đêm, dành thời gian mỗi ngày để thiền, tập thở tập trung.
Môi trường ô nhiễm dễ khiến phổi bị tổn thương nặng. Ảnh: Freepik
Chất lượng không khí
Việc tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí như amiăng, sản phẩm xây dựng và sơn, carbon monoxide... có thể gây ra các đợt hen suyễn, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển phổi của trẻ em.
Ung thư phổi có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng đa số trường hợp mắc bệnh là do hút thuốc. Tiếp xúc với radon cũng là nguyên nhân gây bệnh. Các chuyên gia y khoa giải thích, hít phải các hạt nhỏ thải vào không khí trong thời gian dài có thể dẫn đến ung thư. Các hạt nhỏ này có thể bị mắc kẹt trong phổi, gây tổn thương cho tế bào của phổi, dẫn đến viêm nhiễm.
Tình trạng viêm trong thời gian dài có thể gây ra những thay đổi trong cách các tế bào tái tạo. Việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể gây ra tổn thương DNA, đột biến và thay đổi biểu hiện gen. Những thay đổi này có thể khiến các tế bào phổi phát triển không kiểm soát được.
Nghiên cứu cũng cho thấy ô nhiễm không khí góp phần gây ra các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như: ung thư bàng quang; nhiễm trùng đường hô hấp; bệnh tim mạch.
Mỗi người nên kiểm tra chất lượng không khí tại địa phương nơi mình sinh sống thông qua các ứng dụng, thông tin báo chí. Bạn tránh tập thể dục ngoài trời khi không khí ô nhiễm vì có thể hít phải khí độc lúc hít thở sâu và nhanh khi gắng sức. Tốt nhất, mỗi người nên tránh tập thể dục ở khu vực có mật độ giao thông cao, khi chất lượng không khí kém.
Nhiễm trùng
Các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp bao gồm cúm, Covid-19, viêm phổi, ho gà (ho gà), RSV và cảm lạnh thông thường có thể gây hại cho phổi.
Hầu hết các loại nhiễm trùng phổi đều có thể điều trị, nhưng cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người mắc bệnh phổi hoặc hệ miễn dịch suy yếu. Hiện có nhiều vaccine phòng ngừa cho nhiều bệnh thông thường ảnh hưởng đến phổi.