Nhiều người vay tiền để học đại học và sẽ trả dần sau khi tốt nghiệp, nhưng khoản vay kèm lãi quá lớn khiến họ không đủ khả năng chi trả toàn bộ.
Ông C.W. Hamilton vẫn chưa trả hết nợ sau hơn 40 năm. Ảnh: Max Whittaker/Washington Post.
C.W. Hamilton (cựu quân nhân, 72 tuổi) vay khoản vay sinh viên đầu tiên vào năm 1977. Khoản tiền 5.250 USD hồi đó ông vay để phục vụ cho việc học ở Cochise College (bang Arizona, Mỹ) và được cho là khoản đầu tư cho tương lai, không phải gánh nặng suốt đời. Tuy nhiên, sau hơn 40 năm trả nợ và nhiều lần vỡ nợ, món nợ cả gốc lẫn lãi của ông Hamilton gần như vẫn còn y nguyên.
“Khoản nợ sinh viên giống như một chiếc mỏ neo quấn quanh cổ tôi. Tôi không bao giờ có thể thoát khỏi khoản nợ này”, ông Hamilton nói với Washington Post.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Mỹ, giống như ông Hamilton, gần 47.000 người khác cũng phải trả nợ sinh viên trong ít nhất 40 năm. Khoảng 82% trong số đó không trả được nợ, nghĩa là trong ít nhất 270 ngày, họ không thể thực hiện các khoản thanh toán tự nguyện.
Mặc dù những người này chỉ đại diện cho một phần nhỏ trong số 43,5 triệu người đang mắc nợ sinh viên, sự tồn tại của họ vẫn là một “bản cáo trạng” về những chính sách giúp người dân quản lý các khoản vay. Ngay cả khi chính quyền Tổng thống Biden cố gắng khắc phục, những người vay dễ tổn thương như ông C.W. Hamilton vẫn có nguy cơ bị bỏ lại.
Con đường trả nợ gian nan
Khi những người vay khoản vay sinh viên rời trường đại học, họ sẽ tự động được đưa vào một kế hoạch trả nợ tiêu chuẩn trong 10 năm. Một số người có thể kéo dài thời gian trả nợ bằng cách đăng ký các kế hoạch trả nợ tăng dần theo thời gian hoặc kế hoạch trả nợ theo thu nhập.
Theo Bộ Giáo dục Mỹ, khoảng thời gian trung bình để những người mắc nợ sinh viên thanh toán hết nợ là khoảng 15,5 năm. Bạn vay bao nhiêu, bạn kiếm được bao nhiêu và bạn có lấy được bằng đại học hay không đều đóng vai trò quan trọng trong việc trả nợ.
Tài liệu liên quan việc trả nợ của ông Hamilton đã chất thành đống. Ảnh: Washington Post.
Đối với ông Hamilton, bằng đại học và số tiền kiếm được đã gây cản trở quá trình thanh toán nợ sinh viên của ông. Sau khi tranh chấp với giáo viên hướng dẫn, ông rời Cochise College trước khi hoàn thành chương trình học.
Thiếu bằng đại học, ông Hamilton chỉ có thể làm những công việc lương thấp và thường xuyên phải chuyển chỗ làm. Thời đó, ông gần như không nhận được thông báo về việc thanh toán khoản vay do trong 10 năm đầu rời trường, ông đã chuyển việc và nơi ở quá nhiều.
“Thời điểm đó, thị trường việc làm khan hiếm. Tôi đã nhận nhiều công việc khác nhau và không có địa chỉ cố định. Lúc đó tôi cũng không có điện thoại, vì thế họ không thể gọi cho tôi và nhắc nhở về các khoản vay”, ông Hamilton nói.
Các khoản nợ bắt đầu ập đến sau khi ông Hamilton nhận trợ cấp khuyết tật do gặp chấn thương từ những lần chữa cháy rừng và sửa máy bay. Nhưng kể từ sau năm 2002, ông liên tục bị thu hồi các khoản trợ cấp tàn tật.
Trước khi Bộ Giáo dục Mỹ tạm dừng truy thu nợ vào năm 2020 do dịch Covid-19, ông Hamilton đã vô tình trả hơn 13.000 USD. Lần gần đây nhất, ông bị khấu trừ hơn 175 USD từ tấm séc an sinh xã hội. Do bị trừ tiền, tấm séc của ông chỉ còn khoảng 5.000 USD.
Ông Hamilton từng nộp đơn xin xóa các khoản vay thông qua chương trình dành cho người tàn tật nhưng bị từ chối hồ sơ. Dù nhiều lần tìm cách giảm gánh nặng vay nợ, ông vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng vỡ nợ và không dám vay thêm để trả nợ.
Lo sợ sẽ chết trong nợ nần
30 năm trước, Mỹ xây dựng chương trình trả nợ dựa trên thu nhập, giúp những người đi vay thoát khỏi nguy cơ gánh nợ cho đến già. Cụ thể, nếu trả nợ liên tục, người đi vay sẽ được xóa số nợ còn lại sau 20 năm (đối với nợ sinh viên) và sau 25 năm (đối với nợ cao học). Chính sách này giúp những người đang vật lộn với nợ nần tránh được tình trạng quá hạn và vỡ nợ.
Tuy nhiên, một điều khó hiểu là vào thời gian đầu, Bộ Giáo dục Mỹ ít khi công khai chương trình trả nợ này, khiến nhiều người không biết và không được tiếp cận phương thức xóa nợ phù hợp.
Bà Rosalie Lynch (72 tuổi) là một trường hợp không biết đến chương trình trả nợ dựa trên thu nhập. Vay tiền đi học từ năm 1980 nhưng mãi đến năm 2015, bà mới biết chính phủ cho phép trả nợ dựa trên thu nhập.
Đến khi biết đến chương trình này, bà Lynch đã hai lần vỡ nợ vì khoản vay sinh viên 25.000 USD từ thế kỷ trước. Người phụ nữ từng cố trả nợ nhưng lần vấp ngã trong hôn nhân khiến bà đã khó lại càng khó hơn.
“Nhiều lúc, tôi không đủ khả năng trả nợ sinh viên. Khoản nợ không phải ưu tiên hàng đầu của tôi vì con tôi cần có cơm ăn, áo mặc. Bản thân tôi lại không kiếm được nhiều tiền như vậy”, bà Lynch tâm sự.
Thiếu tiền, bà Lynch thường xin hoãn trả nợ. Tuy nhiên, việc hoãn nợ chỉ giúp bà hoãn được số tiền nợ gốc, tiền lãi vẫn tăng theo thời gian. Ban đầu, bà chỉ vay 25.000 USD nhưng giờ đây lãi mẹ đẻ lãi con, khoản nợ của người phụ nữ 72 tuổi đã lên đến 65.000 USD. Bà lo lắng bản thân sẽ chết trong nợ nần.
Bà Patricia C. Vener-Saavedra phải đến năm 85 tuổi mới trả được hết nợ. Ảnh: Patricia C. Vener-Saavedra.
Cũng giống như bà Lynch, bà Patricia C. Vener-Saavedra (70 tuổi) cũng phải gánh nợ trong nhiều năm trước khi biết đến chương trình trả nợ dựa theo thu nhập vào 10 năm trước. Người phụ nữ 70 tuổi cho biết bà chỉ biết đến chương trình này sau khi các khoản vay được chuyển sang một công ty mới.
Vào những năm 1990, bà Vener-Saavedra vay 35.000 USD để theo đuổi tấm bằng thạc sĩ Vật lý thiên văn tại Rensselaer Polytechnic Institute (Mỹ). Nhưng do khoản vay đã để quá lâu mà chưa thanh toán hết, tổng số tiền (bao gồm gốc lẫn lãi) hiện nay bà Vener-Saavedra phải trả đã tăng lên hơn 88.000 USD.
Hiện nay, chương trình trả nợ dựa trên thu nhập của Mỹ cho phép những người có thu nhập thấp hơn 150% ngưỡng nghèo trả nợ hàng tháng chỉ với 0 USD. Bà Rosalie Lynch và bà Patricia C. Vener-Saavedra đều đủ điều kiện để tham gia chương trình trả nợ 0 USD này. Tuy nhiên, đối với cả hai, khoản nợ hàng chục nghìn USD vẫn là con số quá lớn.
“Đến 85 tuổi, các khoản vay của tôi sẽ được xóa bỏ. Nếu biết đến những kế hoạch này sớm hơn, có thể tôi đã không rơi vào tình cảnh này”, bà Vener-Saavedra nói.