Da nhăn nheo, chảy xệ là nỗi ám ảnh của nhiều người, đặc biệt với phụ nữ sau sinh. Vậy làm cách nào để săn chắc vùng da chảy xệ?
Bên cạnh phẫu thuật, làm căng da, chúng ta vẫn còn một số phương pháp xử lý vấn đề chảy xệ không tốn quá nhiều thời gian và chi phí.
Da chảy xệ là tình trạng khó tránh khỏi khi cơ thể lão hóa, sau sinh. Ảnh: Trainer Josh.
Trên thực tế, việc da chảy xệ là điều khó tránh khỏi khi cơ thể lão hóa. Tình trạng này còn gây ảnh hưởng lớn hơn tới ngoại hình trong các trường hợp phụ nữ sau sinh, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh.
Theo bác sĩ Phan Vũ Lam Phương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, thay vì phải đầu tư một khoản tiền lớn cho phẫu thuật, căng da... một số phương pháp khác cũng có thể giúp hạn chế tình trạng da chảy xệ.
Các loại kem và lotion hỗ trợ săn chắc da
BS Phương cho hay trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm kem và lotion được quảng cáo về hiệu quả làm săn chắc da. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh chúng ta không nên kỳ vọng chúng có thể thay đổi hoàn toàn làn da của mình.
"Thực tế, kết quả chúng ta nhận được sau khi sử dụng những sản phẩm này chỉ là những hiệu quả săn chắc da nhẹ, thậm chí nhiều trường hợp không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trên da", BS Phương nói.
Trong khi đó, các sản phẩm cho thấy kết quả căng bóng ngay lập tức thường đồng nghĩa chúng có hiệu quả dưỡng ẩm tốt, giúp căng mọng làn da của bạn, làm phẳng các nếp nhăn, khiến chúng khó nhìn thấy hơn.
"Tuy nhiên, kết quả này là tạm thời và cần sử dụng mỗi ngày để duy trì hiệu quả", vị chuyên gia lưu ý
BS Phương khẳng định việc kem dưỡng hoặc lotion có thể giúp làm phẳng làn da chảy xệ là điều không thể. Không một loại kem dưỡng nào có thể thấm đủ sâu vào các lớp da bên dưới để làm được điều này.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho hay một số sản phẩm có chứa retinoid cũng có thể giúp tạo ra nhiều collagen hơn, từ đó mang lại hiệu quả phần nào trong cải thiện nếp nhăn.
Các phương pháp làm săn chắc da không xâm lấn
Về nguyên tắc, những phương pháp này không gây vết thương trên da. Trong một số trường hợp, chúng chỉ có thể gây triệu chứng tạm thời như mẩn đỏ và sưng.
Một số ưu điểm của các phương pháp này có thể kể tới như thời gian phục hồi ngắn, an toàn cho mọi màu da, áp dụng được ở mọi vị trí trên cơ thể, ít tác dụng phụ cũng như đau đớn.
Một số phương pháp làm săn chắc da không xâm lấn bao gồm:
Sóng siêu âm: Các bác sĩ da liễu sẽ sử dụng sóng siêu âm để đưa nhiệt vào sâu bên trong da.
"Lúc này, nhiệt có thể giúp cơ thể sản xuất nhiều collagen hơn. Sau một lần điều trị, hầu hết trường hợp ghi nhận sự săn chắc hơn ở mức độ vừa trong vòng 2-6 tháng. Hiệu quả thậm chí tốt hơn khi điều trị bổ sung", BS Phương cho hay.
Sóng tần số vô tuyến: Trong quá trình thực hiện, bác sĩ da liễu sẽ đặt một thiết bị lên da và làm nóng mô dưới da.
Theo BS Phương, hầu hết trường hợp cảm thấy da căng hơn chỉ sau một lần điều trị. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho biết cơ thể cần thời gian để tạo thêm collagen. Do đó, kết quả tốt nhất thường xuất hiện sau khoảng 6 tháng và có thể kéo dài từ 2 đến 3 năm nếu chăm sóc da đúng cách.
Laser: Một số loại laser có thể truyền nhiệt vào sâu bên trong da nhưng không làm tổn thương lớp mô trên cùng. Phương pháp này đặc biệt hữu ích để làm săn chắc vùng da chảy xệ, nhão ở bụng và bắp tay.
Theo BS Phương, bệnh nhân có thể cần từ 3 đến 5 lần điều trị để đạt được hiệu quả. Kết quả cũng sẽ kéo dài trong khoảng từ 2 đến 6 tháng sau lần điều trị cuối cùng.
Các phương pháp xâm lấn tối thiểu
Theo BS Phương, những phương pháp này không thể mang lại kết quả rõ ràng như phẫu thuật, căng da... Tuy nhiên, thời gian hồi phục của chúng lại ngắn hơn, đồng thời hạn chế nguy cơ bị tác dụng phụ.
Khi sử dụng các phương pháp làm săn da xâm lấn tối thiểu, các bệnh nhân sẽ được an thần trong quá trình điều trị và cần vài ngày hồi phục sau đó.
Các phương pháp này gồm:
Sóng tần số vô tuyến: Một ống nhỏ (hoặc kim) được đưa vào trong da giúp làm nóng mô bên dưới. Điều này cho phép bác sĩ da liễu tác động chính xác vị trí cần làm săn chắc da. Phương pháp này thường được sử dụng để làm căng da vùng cổ hoặc bắp tay.
BS Phương giải thích: "Tác động nhiệt đúng vị trí cần thiết giúp đạt kết quả nhanh hơn - thường khoảng một tháng. Trong một số nghiên cứu, những bệnh nhân thực hiện thủ thuật này sẽ dần nhận thấy da săn chắc hơn và duy trì được gần một năm".
Sau khi thực hiện, bệnh nhân sẽ cần sử dụng dụng cụ cố định chuyên dụng trong 4-5 ngày kết hợp chăm sóc vết thương.
Laser tái tạo bề mặt: Khác với phương pháp điều trị bằng laser được ở trên, phương pháp này cần thời gian hồi phục từ 5 đến 7 ngày.
"Laser tái tạo bề mặt là phương pháp mang lại kết quả nhanh nhất. Sau khi lành các vết thương, bệnh nhân có thể nhận thấy da căng và ít nếp nhăn hơn trong vòng 2 tuần", BS Phương cho hay.
Song song với những phương pháp trên, BS Phan Vũ Lam Phương cũng lưu ý kết quả điều trị sẽ tốt hơn nếu:
Duy trì cân nặng hợp lý.
Chế độ ăn uống lành mạnh.
Không hút thuốc.
Hạn chế rượu bia.
Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời.
Vùng da chảy xệ không nhiều.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: "Các phương pháp làm săn chắc da không phù hợp với phụ nữ mang thai, người bị nhiễm trùng da hoặc đang dùng một số loại thuốc nhất định".
BS Phương cũng khuyến cáo mọi người nên thăm khám và trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cách an toàn nhất, tránh những hậu quả ngoài ý muốn.
VietBF@ sưu tập
|