Kẻ phạm tội núp bóng ngôi sao ở showbiz Hàn Quốc. Hàng loạt nghệ sĩ Hàn bị phanh phui quá khứ bạo lực học đường. Những bộ phim như "The Glory" thúc đẩy nạn nhân lên tiếng, theo chuyên gia Hàn Quốc.
“Bạo lực học đường làm rúng động showbiz” là tiêu đề bài viết mới trên The Korea Herald. Theo Korea Herald, những người nổi tiếng bị buộc tội bắt nạt học đường tại Hàn Quốc không phải đối mặt với hậu quả như loạt phim ăn khách The Glory. Tuy nhiên, những hành động trong quá khứ vẫn khiến các nghệ sĩ trả giá đắt. Công chúng Hàn Quốc không thể tha thứ cho hành vi bạo lực học đường.
Nghệ sĩ Hàn Quốc tiếp tục điêu đứng
Cựu thành viên nhóm nhạc nam Kpop BLACK6IX, Kim Hyun Jae, đã rút khỏi chương trình sống còn mới lên sóng của JTBC Peak Time. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ đã ra mắt nhưng không thể xây dựng sự nghiệp thành công. Peak Time cho họ cơ hội thứ hai để trở thành một thần tượng nhạc pop hàng đầu. Tuy nhiên, Kim Hyun Jae đã phải từ bỏ cơ hội vì quá khứ tai tiếng.
Đài truyền hình địa phương JTBC thông báo vào ngày 13/3, Kim Hyun Jae sẽ rút khỏi chương trình vì bị cáo buộc bắt nạt thời còn đi học. Vụ việc của nam ca sĩ khó được giải quyết sớm do Kim Hyun Jae và người tự nhân là nạn nhân đưa ra tuyên bố khác nhau. Do đó, để tránh ảnh hưởng đến chương trình, JTBC quyết định loại Kim Hyun Jae.
Kim Hyun Jae phải rời chương trình vì bạo lực học đường.
Trước đó, khi bị cáo buộc bạo lực học đường, Kim Hyun Jae phủ nhận. Nam ca sĩ thậm chí tuyên bố có hành động pháp lý chống lại những người lan truyền thông tin sai lệch và bôi nhọ anh.
Ca sĩ nhạc trot Hwang Young Woong - người nổi tiếng trong cuộc thi âm nhạc Glowing Trotmen của kênh truyền hình cáp MBN - đã rút khỏi chương trình trước vòng chung kết vì các cáo buộc bắt nạt và bạo lực của anh leo thang.
Trên trang chính thức, nam ca sĩ 28 tuổi viết bài xin lỗi về những hành động trong quá khứ và mong được khán giả tha thứ. Kết cục của Hwang Young Woong gây tiếc nuối bởi anh thống trị số phiếu bầu của người xem suốt từ đầu chương trình. Ngay cả khi chung kết chưa diễn ra, Hwang đã được coi là người chiến thắng.
Thời gian qua, Kim Da Young, diễn viên đóng thế và thí sinh nổi tiếng trong cuộc thi thực tế Physical 100 bị buộc tội hành hung bạn học cũ, tống tiền họ. Trong bài đăng xin lỗi các nhân viên sản xuất của Physical 100, công chúng và những người bị tổn thương, Kim thừa nhận cô từng là kẻ bắt nạt 14 năm trước. Tuy nhiên, Kim Da Young phủ nhận việc cướp và tống tiền.
The Glory thúc đẩy nạn nhân dũng cảm lên tiếng
Bạo lực học đường từng là làn sóng khiến hàng loạt nghệ sĩ Hàn Quốc phải từ bỏ sự nghiệp âm nhạc. Soo Jin (cựu thành viên nhóm (G)I-DLE) thậm chí là thành viên nổi tiếng nhất nhóm. Tuy nhiên, cô bị đuổi khỏi nhóm và chấm dứt hợp đồng với công ty quản lý sau cáo buộc bạo lực học đường.
Với lý do tương tự, Kim Ga Ram rời nhóm Le Sserafirm chỉ vài tháng sau khi ra mắt. Nhiều diễn viên Hàn Quốc khác cũng phải rút khỏi ngành giải trí hoặc tạm ngưng hoạt động vì quá khứ bê bối.
Tuy nhiên, theo truyền thông Hàn Quốc, ngay cả khi ngành giải trí đã được thanh tẩy, số nghệ sĩ nước này bị phanh phui quá khứ bạo lực học đường có thể tiếp tục tăng. Lý do là thành công của bộ phim với đề tài trả thù The Glory do Song Hye Kyo đảm nhận vai chính. Và số lượng nghệ sĩ bị lật tẩy quá khứ bắt nạt ngày càng nhiều càng cho thấy mặt tối đáng xấu hổ đằng sau lớp vỏ bọc hào nhoáng của ngành giải trí.
“Những bộ phim truyền hình như The Glory đang thu hút sự chú ý lớn. Bộ phim xây dựng hình thức bắt nạt và hậu quả nghiêm trọng. Những dự án như vậy chắc chắn nâng cao nhận thức của công chúng rằng bạo lực và bắt nạt học đường là không thể tha thứ được”, nhà phê bình văn hóa Kong Hee Jung nói với The Korea Herald.
Những bộ phim như The Glory tiếp thêm sức mạnh cho nạn nhân bạo lực học đường.
“Những người nổi tiếng, diễn viên và ca sĩ đầy triển vọng có thể cảm thấy sợ hãi trước những vụ việc gần đây. Những tiết lộ về quá khứ bạo lực học đường của các ngôi sao truyền hình có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp của họ”, Kong Hee Jung nói thêm.
Khi hàng loạt cáo buộc nổ ra trên mạng xã hội nhắm tới người nổi tiếng, công chúng cho rằng mục đích nạn nhân lên tiếng là để trả thù kẻ phạm tội. Tuy nhiên, trao đổi với The Korea Herald, Kwak Geum Ju - Giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul - tin những cáo buộc bắt nạt có ý nghĩa lớn hơn.
“Các nạn nhân trong hầu hết trường hợp, không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình huống. Nhiều người phải chịu đựng những bi kịch như vậy thậm chí cảm thấy nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là chính họ. Chỉ sau khi xem các bộ phim tài liệu và phim truyền hình, họ mới nhận ra những trải nghiệm trong quá khứ của bản thân tàn nhẫn và nghiêm trọng như thế nào”, Kwak Geum Ju nói với The Korea Herald.
“Quá khứ bị bắt nạt có thể được nạn nhân che giấu và chôn vùi suốt nhiều năm. Họ sợ phải tiết lộ những bí mật đầy đau đớn. Chính những bộ phim truyền hình trở thành liều thuốc cho các nạn nhân. Họ có được sức mạnh to lớn sau khi nhận ra có nhiều người ủng hộ và đồng cảm với câu chuyện của họ hơn họ mong đợi”, giáo sư giải thích.
The Glory xoay quanh Moon Dong Eun (do Song Hye Kyo thủ vai), một nạn nhân của bạo lực học đường. Cô tìm cách trả thù những kẻ bắt nạt trong quá khứ sau 17 năm.
Phần thứ 2 của phim được phát hành vào 10/3, đã đứng đầu bảng xếp hạng trong số các chương trình truyền hình không phải tiếng Anh về lượng người xem hàng tuần của nền tảng phát hành. Loạt phim trả thù ghi nhận tổng cộng 124,46 triệu giờ xem trong tuần từ 6/3 đến 12/3.
Tuy nhiên, đạo diễn của loạt phim - Ahn Gil Ho - cũng bị buộc tội bắt nạt học đường vào 10/3. Ahn Gil Ho sau đó thừa nhận hành vi bắt nạt học đường và xin lỗi các nạn nhân.
VietBF@ sưu tập
|