3 thực phẩm quen thuộc, nhiều người ưa thích ăn hàng ngày có thể là thủ phạm "phá hủy" mạch máu.
Mạch máu tồn tại ở mọi cơ quan trong cơ thể con người, giúp vận chuyển máu, oxy và các chất dinh dưỡng khác đi nuôi cơ thể. Khi mạch máu gặp vấn đề như xuất hiện cục máu đông (huyết khối) gây tắc nghẽn mạch máu sẽ dẫn đến các bệnh về tim mạch, mạch máu não, gây ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trong trường hợp nghiêm trọng.
Nhà nghiên cứu, Viện sĩ Trần Khả Tế (91 tuổi) tại Viện Khoa học Y học Trung Quốc, người đã có 60 năm nghiên cứu về vấn đề sức khỏe của mạch máu cho biết có 4 loại thực phẩm có thể góp phần hình thành huyết khối, gây hại cho sức khỏe.
3 loại thực phẩm "phá hoại" mạch máu cần tránh
1. Đồ ăn chứa nhiều muối
Ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến huyết áp cao. Ăn mặn khiến màng tế bào thẩm thấu nhiều natri. Sau đó ion natri sẽ chuyển vào tế bào cơ trơn của thành mạch. Nồng độ ion natri trong máu tăng cao, làm tăng sức cản ngoại vi của mạch máu, gây giữ nước và natri và dẫn đến tăng huyết áp. Đây là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị người dân nên hạn chế sử dụng muối, không quá 5 gam muối một ngày. Còn trong bản "Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Trung Quốc", lượng muối ăn nạp vào cơ thể hàng ngày khuyến cáo không được vượt quá 6 gam.
2. Thực phẩm chứa nhiều đường
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hấp thụ các thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung có thể ảnh hưởng nồng độ chất béo trung tính trong cơ thể. Lượng chất béo trung tính cao có thể làm hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như bệnh động mạch vành, đau tim và đột quỵ.
Đường và thực phẩm chứa nhiều đường thúc đẩy tình trạng viêm trong cơ thể. Điều này có thể gây căng thẳng cho tim và mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp và các vấn đề tim mạch khác.
Đường bổ sung thường được tìm thấy trong thực phẩm chế biến sẵn như nước ngọt, bánh kẹo,... có ít giá trị dinh dưỡng. Sử dụng quá nhiều thực phẩm chứa đường bổ sung khiến cơ thể hấp thụ lượng calo dư thừa, từ đó dẫn đến thừa cân, béo phì. Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch.
3. Đồ chiên rán
Thực phẩm chiên rán chứa nhiều chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa. Do đó, nếu ăn loại thực phẩm này với số lượng lớn và ăn trong thời gian dài sẽ khiến hàm lượng triglycerid và cholesterol "xấu" LDL trong cơ thể tăng cao, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tim mạch.
Ngoài việc chứa nhiều chất béo bão hoà và calo, đồ chiên rán như khoai tây chiên, phô mai que, bánh rán,... cũng có thể làm tăng mức độ viêm nhiễm trong cơ thể. Điều này là do đồ chiên rán thường được nấu ở nhiệt độ cao, có thể làm tăng sản xuất các hợp chất có hại cho cơ thể như sản phẩm glycat hóa bền vững (advanced glycation end products) có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm mạn tính.
4 thói quen hại mạch máu không kém
Ngoài ra 3 thực phẩm kể trên người dân cần tránh, Viện sĩ Trần Khả Tế còn chỉ ra một số thói quen tưởng chừng vô hại nhưng góp phần "hủy hoại" mạch máu. Đó là:
1. Lười vận động và không tập thể dục
Lười vận động và không tập thể dục có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mạch máu. Tập thể dục đã được chứng minh là có thể tăng cường thể chất và có tác dụng tích cực đối với các cơ quan nội tạng của con người.
Tập thể dục có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và chuyển hóa lipid trong cơ thể, đồng thời kiểm soát hiệu quả lượng mỡ trong máu. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa sự và giảm thiểu nguy cơ hình thành cục máu đông gây ra bệnh tim mạch và mạch máu não.
Tuy nhiên, khi tập thể dục, chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tập luyện với cường độ vừa phải và cần tránh các bài tập quá sức.
2. Hút thuốc và uống rượu
Thuốc lá và rượu bia là các chất kích thích có thể làm tổn thương mạch máu. Khói thuốc chứa nhiều chất độc hại, độc tố sẽ ngấm vào trong mạch máu, gây tổn thương tế bào nội mạch. Lâu dần sẽ gây xơ cứng động mạch, tắc nghẽn mạch máu. Hút thuốc cũng làm tăng độ kết dính tiểu cầu, gây tăng huyết áp, gây xơ cứng động mạch, tắc nghẽn mạch máu.
Ngoài thuốc lá, việc lạm dụng rượu bia quá mức còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Rượu có tác dụng kích thích hệ thần kinh trong cơ thể, khiến tim đập nhanh, gây tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho hệ tim mạch.
3. Thường xuyên tức giận
Tức giận là cảm xúc bình thường của cơ thể nhưng tức giận thường xuyên có gây ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch. Khi bạn tức giận, cơ thể sẽ tiết ra hormone gây căng thẳng, bao gồm adrenaline và cortisol, làm tăng nhịp tim và nhịp thở. Lúc này các mạch máu sẽ co lại khiến huyết áp của bạn tăng vọt, gây ảnh hưởng tới mạch máu.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người khỏe mạnh nhưng thường xuyên tức giận có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 19% so với người bình thường. Còn với những người mắc bệnh tim, thường xuyên tức giận khiến bệnh tình của họ trở nên tồi tệ hơn.
4. Không uống đủ nước
Việc uống không đủ nước khiến quá trình tuần hoàn máu và trao đổi chất diễn ra chậm hơn. Do đó, bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể là hoàn toàn cần thiết để thúc đẩy tuần hoàn máu trong cơ thể, duy trì sự khỏe mạnh của mạch máu, giúp quá trình lưu thông máu diễn ra trơn tru hơn.
VietBF @ Sưu tầm