Nghẹt mũi do cảm lạnh, chứng ngưng thở khi ngủ, nhiễm trùng xoang là những nguyên nhân khiến người bệnh thường xuyên bị chảy nước dãi khi ngủ.
Chảy nước dãi là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể. Khi ngủ, cơ mặt và các phản xạ như nuốt ngưng hoạt động, khiến nước bọt tích tụ trong miệng chảy ra ngoài. Nếu thi thoảng bị chảy nước dãi, bạn có thể chỉ làm phiền người bên cạnh, chăn gối phải giặt thường xuyên. Nhưng khi chảy nước dãi đi kèm với các triệu chứng khác và diễn ra liên tục, người bệnh có thể đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe. Dưới đây là những bệnh lý có thể gây ra triệu chứng chảy nước dãi khi ngủ.
Nghẹt mũi: Chất nhầy do cảm lạnh, cảm cúm gây nghẹt mũi khiến việc thở bằng mũi gặp khó khăn. Cơ chế hô hấp chuyển sang hít vào và thở ra bằng miệng. Thở bằng miệng biểu hiện rõ nhất khi ngủ, miệng há ra suốt cả đêm, trong khi cơ chế nuốt ngưng hoạt động làm chảy nước dãi.
Nhiễm trùng xoang và viêm họng: Người bệnh mắc nhiễm trùng xoang cổ họng thường sưng tấy khiến việc nuốt nước bọt khó khăn. Nhiễm trùng xoang cũng gây ra các triệu chứng khác như nhức đầu, đau mặt, chảy nước mũi xanh, chảy nước mũi sau, sốt, ho, hôi miệng. Triệu chứng của bệnh này gây ra tình trạng chảy nước dãi nặng hơn.
Nhiễm trùng xoang có thể khiến người bệnh chảy nước dãi khi ngủ, miệng hôi. Ảnh: Freepik
Lệch vách ngăn: Nghẹt mũi cũng có thể xảy ra do sưng mũi hoặc các loại tắc nghẽn như lệch vách ngăn. Vách ngăn lệch tâm hoặc không đều, luồng không khí sẽ bị chặn, chất nhầy từ lỗ mũi chảy xuống sau thành họng và ứ đọng ở hốc mũi. Lúc này, người bệnh sẽ thở bằng miệng và có thể bị chảy nước dãi. Ngoài ra, các tình trạng như polyp mũi, phì đại vòm họng cũng dẫn đến triệu chứng chảy nước mũi khi ngủ.
Chứng dị ứng: Những người nhạy cảm với phấn hoa hay mạt bụi, dị ứng không khí khô hay bị ngứa và sưng mũi. Tình trạng dị ứng này kích thích cơ thể tiết nhiều nước bọt gây nghẹt mũi kéo dài. Theo Đại học Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Mỹ (ACAAI), chứng dị ứng có xu hướng tồi tệ hơn vào ban đêm do lưu lượng máu đến mũi và đầu tăng lên. Khi người bệnh đi ngủ với tình trạng mũi bị tắc, họ buộc phải thở bằng miệng, khiến nước dãi dễ dàng thoát ra ngoài.
Viêm họng liên cầu khuẩn: Viêm họng do liên cầu khuẩn có các triệu chứng đau họng, đau khi nuốt, sốt, amidan sưng đỏ, sưng cổ... Đây cũng là một vấn đề mũi họng làm việc thở gặp khó khăn, gây chảy nước dãi khi ngủ.
Chứng ngưng thở khi ngủ: Chứng rối loạn giấc ngủ này khiến bạn ngưng thở nhiều lần trong đêm. Ngưng thở có thể chặn đường thở, khiến não quên gửi tín hiệu đến cổ họng và cơ miệng. Nếu những tín hiệu này bị chặn, nó gây ra hiện tượng sản xuất nước bọt quá mức, dẫn đến chảy nước dãi trong lúc ngủ. Ngưng thở khi ngủ còn có các triệu chứng khác như ngáy to, miệng khô, nhức đầu vào buổi sáng, khó ngủ, buồn ngủ vào ban ngày, cáu gắt...
Bên cạnh các bệnh lý mũi họng gây chảy nước mũi nêu trên, tình trạng này còn do quá trình lão hóa, trào ngược axit làm kích ứng cổ họng. Để giảm chảy nước mũi khi ngủ, mọi người có thể áp dụng một số mẹo như: kê cao gối khi ngủ, dùng máy tạo độ ẩm vào ban đêm, xịt nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người bị chảy nước dãi khi ngủ liên quan đến bệnh lý như viêm họng, ngưng thở khi ngủ, lệch vách ngăn nên sớm đi khám để bác sĩ tư vấn hướng điều trị.