Nhiều nghiên cứu cho thấy sống chung với động vật ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, kỹ năng xã hội và thậm chí là sự phát triển nhận thức của trẻ em.
Nếu bạn có nuôi động vật khi còn nhỏ, chắc chắn bạn sẽ nhớ rất rõ con vật đầu tiên lớn lên trong nhà. Đối với nhiều người, thú nuôi là một thành viên "bình đẳng" trong gia đình. Đặc biệt, vật nuôi có thể đóng góp vào sự phát triển trí não của trẻ em theo nhiều cách khác nhau.
Megan Mueller, giáo sư trường Đại học Tufts (Mỹ), chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người và động vật cho biết, trẻ nhỏ nhận ra mọi sinh vật sống đều có những quan điểm khác nhau và chúng nhận ra điều này khi chơi với một con vật.
Theo nghiên cứu của giáo sư năm 2020, thú cưng có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, kỹ năng xã hội và thậm chí là sự phát triển nhận thức của trẻ em. Trẻ sống cùng thú nuôi cũng sẽ phát triển sự đồng cảm nhiều hơn.
Giáo sư Đại học West Australia Hayley Christian cùng nhóm của cô đã sử dụng dữ liệu từ một nghiên cứu trên 4.000 trẻ em từ 5 đến 7 tuổi và phát hiện ra rằng việc sở hữu thú cưng có liên quan đến nhiều hành vi tích cực trong xã hội hơn mức trung bình.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng trẻ em từ 2 đến 5 tuổi nuôi chó sẽ năng động hơn, dành ít thời gian hơn trên màn hình và ngủ ngon hơn. Trong trường hợp này, chính hoạt động thể chất liên quan đến con chó (như dắt chó đi dạo) là điều tạo nên sự khác biệt.
Trong một nghiên cứu mới đây vào năm 2021, nhóm của phó giáo sư Hayley sau khi kiểm soát một số yếu tố như tình trạng kinh tế xã hội, đã kết luận rằng những đứa trẻ thường xuyên thực hành hoạt động thể chất liên quan đến chó của mình sẽ phát triển tốt hơn. "Có thể nói rằng việc tiếp xúc với vật nuôi trong những năm đầu đời của trẻ sẽ có lợi về phát triển mặt cảm xúc và xã hội", Hailey cho biết.
Điều đó không có nghĩa mọi đứa trẻ nên có một con chó. Megan đã xem xét và so sánh sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên nuôi và không nuôi thú cưng trong đại dịch Covid-19 và có vẻ như không có nhiều khác biệt.
Về ảnh hưởng tích cực của động vật, giáo sư cho rằng nó phụ thuộc vào chất lượng của mối quan hệ giữa đứa trẻ và vật nuôi. Thời gian dành cho thú cưng và độ tuổi của trẻ là những yếu tố quan trọng.
Một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí khoa học Taylor & Francis của Anh chỉ ra rằng trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 10 phát triển mối liên kết mạnh mẽ hơn với những loài động vật gần gũi với con người như chó và mèo, hơn là chim hay cá. Nhưng ở những đứa trẻ trong độ tuổi từ 11 đến 14 không có sự khác biệt này.
Vật nuôi cũng có thể củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, theo như một nghiên cứu năm 2017 về vai trò của thú cưng trong nhà nuôi dưỡng trẻ em. Những đứa trẻ lớn lên cùng thú cưng cũng sẽ có hiểu biết tốt hơn về thế giới động vật nói chung và cư xử tốt hơn với chúng.