Lạc quan là một thói quen có thể được củng cố bằng cách phát triển các hoạt động lành mạnh trong hoạt động hàng ngày.
David A. Yadush, cố vấn y khoa kiêm giám đốc điều hành tại BetterHelp - dịch vụ hỗ trợ điều trị tâm lý Mỹ, cho biết để bắt đầu nhìn cuộc sống qua lăng kính hạnh phúc và tích cực hơn, chúng ta có thể lấy cảm hứng từ cách suy nghĩ, sống và đưa ra quyết định của những người lạc quan, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn.
"Những người có cái nhìn lạc quan tin rằng những điều tốt đẹp rồi sẽ xảy đến và thái độ lạc quan có liên quan đến một số lợi ích, bao gồm cải thiện cơ chế đối phó, sức khỏe thể chất, giảm mức độ căng thẳng và kiên trì hơn khi theo đuổi mục tiêu," Yadush chia sẻ.
Dưới đây là 7 điều mà những người lạc quan làm để trở nên tích cực hơn, theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Cho phép mình cảm nhận mọi thứ
Tích cực độc hại là một điều nguy hiểm vì bạn không thừa nhận và trải nghiệm mọi cảm xúc, cả tốt lẫn xấu. Lạc quan không nhất thiết là phải luôn tích cực hay nhìn thấy mặt tốt của mọi thứ.
Lạc quan có nghĩa là cho phép bản thân được phép cảm nhận tất cả cảm xúc của mình và cho phép người khác hỗ trợ bạn trong hành trình cá nhân, luôn có niềm tin và hy vọng vào tương lai.
Khi đối mặt với nghịch cảnh, bạn có thể tiếp cận theo hướng tích cực bằng cách tạm nghỉ và thành thật về những gì bạn cần được hỗ trợ. Vì sự lạc quan là cam kết hướng tới hy vọng cho tương lai, nên những người lạc quan luôn dùng những trải nghiệm của mình để tiến về phía trước.
Sống trong hiện tại
Nếu bạn từng mắc chứng lo âu, bạn sẽ nhận ra mình đã nghĩ quá nhiều về những điều có thể xảy ra trong tương lai, chẳng hạn như người bạn yêu bị ốm, mất việc hoặc tai nạn xe hơi.
Gabriella Giachin, nhân viên xã hội của Nhóm trị liệu tâm lý New York, cho biết một phần để trở nên tích cực hơn là cố gắng hết sức để sống trong hiện tại.
"Lạc quan là biết rằng thời điểm duy nhất bạn có thể kiểm soát hoặc thay đổi là hiện tại. Sự lạc quan đến từ sự gắn kết với thời điểm trước mắt và biết rằng bạn có cách và khả năng học hỏi để xử lý tình huống" cô cho biết.
Lần tới khi cảm thấy khó khăn hoặc rơi vào vòng xoáy của sự tiêu cực, hãy đánh giá lại những gì bạn có thể nhìn thấy, chạm vào, nghe thấy và ngửi thấy ngay lúc đó. Sử dụng các giác quan của bạn là một cách thực hành chánh niệm tuyệt vời giúp neo bạn vào hiện tại và thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực.
Tập trung vào khả năng và giá trị của mình
Điều khiến những người lạc quan khác biệt với những người bi quan là họ tập trung vào điểm mạnh thay vì điểm yếu của bản thân.
Người lạc quan sẽ xem thất bại là một bài học chứ không phải là mất mát. Họ tin rằng học hỏi là một phần tự nhiên của mọi sự tiến bộ và sử dụng kết quả như một cơ hội để phản ánh, phát triển và cải thiện. Họ có cái nhìn tích cực về bản thân và hình ảnh bản thân, cũng như sự tự tin để xử lý những thách thức và đạt được mục tiêu.
Nếu bạn không đạt điểm cao trong bài thuyết trình hay không đạt thành công trong dự án, đừng trừng phạt bản thân vì không hoàn hảo. Nếu bạn muốn trở nên tích cực hơn, hãy tập thói quen viết ra những thành công của mình và sau đó cố gắng hiểu rõ hơn những thiếu sót để có thể vượt qua chúng.
Sử dụng các kỹ thuật định hình lại sự tích cực
Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn có một cuộc trò chuyện khiến bạn sôi máu, hay khi bạn và đối tác không tìm được sự thỏa hiệp cho một quyết định quan trọng. Trong những thời điểm này, bạn rất dễ rơi vào thói quen bi quan hóa mọi thứ và có tầm nhìn phiến diện. Nhưng nghiên cứu cho thấy việc luyện tập suy nghĩ về bản thân và tình huống của bạn bằng cách sử dụng các kỹ thuật định hình tích cực có thể hữu ích.
Làm thế nào để có thể định hình lại những bất tiện hàng ngày và những ngày tồi tệ để tìm ra điều may mắn hay tích cực? Nghĩ rằng tình hình không tệ như bạn nghĩ có thể mang lại cho bạn những hiểu biết và trải nghiệm mới.
Quan trọng là học cách chấp nhận những khó khăn và để cảm xúc tuôn trào. Điều xảy ra sau đó mới thực sự tạo nên sự khác biệt: liệu bạn sẽ vẫn cảm thấy cay đắng, tức giận và bực bội, hay sẽ gác lại những cảm xúc đó và thay đổi suy nghĩ để tìm ra những điều tốt đẹp?.
Biết làm thế nào và khi nào nên nói "Không"
Mặc dù điều này có vẻ mâu thuẫn, nhưng một cách để trở nên tích cực hơn là thực sự nói "không" với nhiều thứ hơn. Mục đích của việc sống lạc quan chính là tìm kiếm sự cân bằng và niềm vui để tạo nên một thái độ tích cực.
Nếu điều gì đó không mang lại cho bạn niềm vui hoặc làm bạn kiệt sức theo những cách không lành mạnh thì bạn không cần phải phí năng lượng với điều đó. Và chắc chắn một số nghĩa vụ, như nuôi dạy con cái, sẽ yêu cầu bạn phải làm những việc khó khăn, nhưng đừng ngần ngại theo đuổi hạnh phúc bản thân khi có thể.
Một chuyên gia cho biết: "Khi bạn đặt nhu cầu của người khác trước nhu cầu bản thân, bạn đang nói "có" với người khác và nói "không" với chính mình. Điều đó không giúp bạn có cái nhìn tự tin về tương lai. Nói không với những thứ không mang lại cho bạn niềm vui thực sự có thể mang lại cho bạn sự sáng suốt, bình yên và con đường tiến tới một cuộc sống hạnh phúc".
Thực hành lòng biết ơn
Biết ơn là một cách sống của những người lạc quan và là một bước cơ bản để trở nên tích cực hơn. Họ thường thực hành lòng biết ơn bằng cách tập trung vào những thứ mình có hơn là những thứ mình thiếu. Họ biết ơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống và đánh giá cao những khía cạnh tích cực trong những trải nghiệm của bản thân.
Hãy tìm kiếm những điều tốt đẹp nhỏ bé thường bị lãng quên xung quanh bạn. Đó có thể là một nụ cười, một việc tốt bạn làm cho người khác hoặc họ làm cho bạn, hoặc nhận thấy mùa xuân đang đến. Những cảm giác tích cực này ảnh hưởng đến suy nghĩ và nhận thức của chúng ta theo những cách tinh tế nhưng mạnh mẽ.
Ở cạnh những người tích cực
Khi ở cạnh một người quá tiêu cực, bạn rất dễ rơi vào vòng xoáy suy nghĩ tương tự. Nhưng khi bạn ở cạnh một người tích cực, hướng đến phía trước và tràn đầy hy vọng, bạn cũng sẽ hướng về phía tươi sáng hơn trong những thử thách và trải nghiệm trong cuộc sống.
Nếu bạn quyết tâm trở nên tích cực hơn và cải thiện cách nhìn của mình về cuộc sống, hãy hướng ngoại. Kết bạn với những người muốn nhìn thấy mặt tích cực, từ bạn bè và gia đình đến nhà trị liệu, huấn luyện viên hay bác sĩ.
"Quan tâm tới cộng đồng cũng là một cách tự chăm sóc bản thân, và những người lạc quan đảm bảo rằng họ có một nhóm người xung quanh để tiếp sức vào những ngày mệt mỏi. Tất nhiên, những người lạc quan không phải lúc nào cũng lạc quan, nhưng họ biết cách yêu cầu sự giúp đỡ," một chuyên gia chia sẻ.
|