Do dây chuyền sản xuất đã đóng lại từ lâu, nên việc sửa chữa chiếc tiêm kích tàng hình F-22 bị mài bụng xuống đường băng vào năm 2018 phải cần tới 5 năm để hoàn thành.
"Tiêm kích tàng hình F-22 số đuôi AF-07-146 hoàn thành chuyến bay nghiệm thu tại căn cứ Elmendorf-Richardson ở bang Alaska hôm 4/5. Đây là bài kiểm tra cuối cùng, kết thúc 5 năm khôi phục khả năng hoạt động của máy bay 146 sau tai nạn ở bang Nevada năm 2018. Phi cơ được trở lại phi đội chiến đấu cùng ngày", không quân Mỹ ra thông cáo cho biết hôm 9/5.
Chiếc F-22 được sửa chữa xong và tiến hành bay thử nghiệm
Hình ảnh được quân đội Mỹ công bố cho thấy hoạt động kiểm tra máy bay trên mặt đất hồi tháng 4, cũng như giai đoạn chuẩn bị và cất cánh bay thử diễn ra đầu tháng 5. Chi phí sửa chữa chiếc F-22 không được tiết lộ.
Không quân Mỹ từng mất một tháng tháo rời máy bay và đưa nó vào vận tải cơ chiến lược C-5 Galaxy để chuyển về căn cứ Elmendorf-Richardson. Lực lượng này tốn thêm một năm chạy phần mềm mô phỏng để xác định khả năng khôi phục hoạt động cho phi cơ, sau đó mới lên kế hoạch sửa chữa.
Lầu Năm Góc và các nhà thầu dân sự cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình khôi phục máy bay, do dây chuyền sản xuất tiêm kích F-22 đã ngừng hoạt động từ lâu, trong khi số máy bay trong biên chế tương đối nhỏ và không có sẵn phi cơ để tháo dỡ linh kiện.
Chiếc F-22 gặn nạn
Máy bay F-22 số đuôi AF-07-146 gặp sự cố trong chuyến bay tốt nghiệp của phi công tham gia khóa học nâng cao chuyên môn tại căn cứ không quân hải quân Fallon ở bang Nevada hồi tháng 4/2018.
Các nhà điều tra không quân Mỹ kết luận sự cố bắt nguồn từ dữ liệu cất hạ cánh sai sót do chênh lệch độ cao và chiều dài đường băng giữa sân bay Elmendorf-Richardson với Fallon. Điều này khiến phi công điều khiển chiếc 07-4146 kéo mũi cất cánh và thu càng quá sớm, khiến máy bay không đủ lực nâng và nhanh chóng mất độ cao, trượt dài trên đường băng.
Chiếc F-22 lúc đang được sửa chữa
F-22 mang biệt danh Raptor nghĩa là “Chim ăn thịt”, nó có chuyến bay đầu tiên vào năm 1997, chính thức đi vào biên chế năm 2005, và lần thực chiến đầu tiên là nhiệm vụ phá hủy bộ chỉ huy của quân khủng bố IS vào năm 2016.
F-22 Raptor sở hữu những công nghệ đỉnh cao trong lĩnh vực quân sự như: có khả năng tàng hình, có thể bay hành trình với vận tốc siêu âm mà không cần đốt tăng lực động cơ lần 2. F-22 Raptor cũng được trang bị một radar mảng pha chủ động tiên tiến thế hệ mới mạnh nhất thế giới hiện nay.
Theo các chuyên gia quân sự, sức mạnh và hiệu năng chiến đấu của một chiếc Raptor có thể cao hơn 4 đến 5 lần máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, nghĩa là một chiếc F-22 Raptor có thể đối đầu và giành thắng lợi trong không chiến với 4 chiếc tiêm kích thế hệ thứ 4 (MiG-29, Su-27, Su-30...) một lúc, ở chế độ tàng hình, F-22 mang được khoảng 3 tấn vũ khí, khi bỏ chế độ tàng hình, tức treo cả vũ khí bên các mấu ngoài, loại chiến đấu cơ này có thể mang khoảng 7,5 tấn vũ khí. Tuy mang trong mình đỉnh cao công nghệ và không ít đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản, Israel và Úc mong muốn sở hữu, nhưng Washington đều lắc đầu không bán.
Không quân Mỹ ban đầu ước tính sẽ mua số lượng lớn khoảng 750 tiêm kích, nhưng hiện nay số lượng họ sở hữu chỉ có 187 chiếc. Sau khi Liên Xô tan rã vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, đã không còn bất kỳ mối đe dọa thực sự lớn nào đối với nước Mỹ vì thế họ không phải cần đến số lượng lớn máy bay F-22.
Không quân Mỹ đang có kế hoạch duy trì hoạt động của F-22 đến những năm 2060 thông qua việc nâng cấp vũ khí để xây dựng nền tảng kỹ thuật cần thiết, giúp F-22 có thể mang được các loại tên lửa đất đối không thế hệ mới trong những năm tới.