Không như một số loài động vật có khả năng tái tạo mạnh mẽ bộ phận cơ thể bị mất, khả năng tái tạo của con người hạn chế hơn rất nhiều. Dù vậy, một số bộ phận của cơ thể người vẫn có khả năng tái tạo và tự chữa lành đáng kinh ngạc.
Sau khi vết thương liền lại, cơ thể sẽ hình thành mô sẹo. Mô sẹo bên cạnh giúp cơ thể lành lại, bịt kín vết thương thì đó cũng là tình trạng xơ hóa. Trong nhiều trường hợp, xơ hóa khiến cơ quan đó không thể hoạt động tốt như trước đây, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).Thậm chí, với nhiều cơ quan nội tạng, nếu bị tổn thương lặp đi lặp lại, các mô xơ hóa quá nhiều thì có thể dẫn đến suy nội tạng. Tuy nhiên, một số cơ quan trên cơ thể có thể tự phục hồi đáng kinh ngạc và các vết sẹo chỉ hình thành ở mức tối thiểu.
Gan
Gan rất quan trọng với sức khỏe và có khả năng chống chịu dẻo dai với tổn thương. Cơ quan nội tạng này có chức năng hỗ trợ tiêu hóa, khả năng miễn dịch, tổng hợp protein, loại bỏ độc tố, chất thải và nhiều vai trò khác.
Do đó, bất kỳ tổn thương nào ở gan cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. May mắn là gan có khả năng tái tạo và phục hồi trạng thái cũ sau tổn thương rất tốt.
Khả năng tái tạo này là do trong gan chứa một lượng lớn tế bào đang trong trạng thái chưa được kích hoạt. Khi gan bị tổn thương, các tế bào này được kích hoạt và phát triển để bù đắp vào phần bị mất, giúp gan khôi phục lại kích thước ban đầu. Tuy nhiên, những tổn thương nghiêm trọng, lặp đi lặp lại trong thời gian dài như uống nhiều rượu bia, viêm gan, dùng thuốc quá nhiều thì gan sẽ bị tổn thương và hình thành mô sẹo, dẫn đến xơ hóa gan.
Ruột
Về cơ bản, ruột là một ống tiêu hóa kéo dài từ miệng đến hậu môn. Rất nhiều tác nhân có thể khiến ruột bị tổn thương như dùng một số loại thuốc, a xít dạ dày, enzym tiêu hóa, vi khuẩn, virus, nồng độ a xít quá cao hay các bệnh như viêm loét, trào ngược dạ dày thực quản.
Khi bị tổn thương, ruột có khả năng hồi phục rất tốt. Thời gian hồi phục của ruột ngắn hay dài, vài tuần hay nhiều tháng tùy thuộc vào tính chất, mức độ tổn thương và phương pháp điều trị.
Phổi
Phổi sẽ thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn truyền nhiễm, chất ô nhiễm và kích ứng từ không khí. Do đó, phổi sở hữu lớp niêm mạc có khả năng bảo vệ tốt và phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.
Ngoài ra, phổi còn có khả năng tự phục hồi sau tổn thương. Điều này là do phổi, tương tự như gan, có các tế bào ở trạng thái chưa kích hoạt.
Khi mô phổi bị tổn thương, các tế bào này sẽ được kích hoạt và phát triển thành nhiều tế bào chuyên biệt để thay thế. Nếu tổn thương nghiêm trọng và kéo dài, chẳng hạn do bệnh viêm phổi mạn tính, hút thuốc lâu năm, thì mô phổi sẽ bị tổn thương, hình thành sẹo và bị xơ hóa, theo Healthline.
|