Ngay cả những thực phẩm cần thiết, quen thuộc hàng ngày nhưng nếu ăn quá nhiều cũng có thể phản tác dụng, thậm chí gây bệnh tật.
Thông tin một người đàn ông phát hiện mắc bệnh thận và tiểu đường do ăn quá nhiều tinh bột đã khiến rất nhiều người hoang mang. Trường hợp này được bác sĩ gia đình Huang Huilun chia sẻ trên số gần đây của chương trình “The Doctor So Spicy” (Đài Loan, Trung Quốc).
Bệnh nhân ngoài 40 tuổi, có thân hình cường tráng và cho biết mình vốn rất khỏe mạnh, cực ít khi ốm đau. Anh đi làm xa nhà nhiều năm và mới quay lại quê hương (Đài Loan, Trung Quốc) gần đây. Theo lời anh kể, khoảng nửa tháng trước bắt đầu phát hiện nước tiểu của mình có bọt. Tuy nhiên, anh cũng không quá để tâm, chỉ cho rằng do dùng lực khi đi tiểu hoặc do thay đổi môi trường sống.
Nhưng càng ngày nước tiểu càng nhiều bọt hơn, thậm chí chờ 5 - 10 phút sau khi tiểu vẫn không tan biến. Đồng thời, nhận ra màu nước tiểu có vẻ đậm hơn và mùi hôi hơn nên anh quyết định tới bệnh viện thăm khám.
Kết quả kiểm tra cho thấy chỉ số huyết sắc tố glycosyl hóa của anh ta đã đạt đến 9. Trong khi giá trị bình thường là từ 4,0 - 5,6%. Lượng protein niệu của anh ta đã tăng vọt lên hơn 700 mg/dL trong khi giá trị tiêu chuẩn là khoảng 300 mg/dL. Sau khi làm thêm một số xét nghiệm khác, bác sĩ đi đến kết luận bệnh nhân cùng lúc mắc tiểu đường tuýp 2 và bệnh thận ở mức trung bình.
Ăn uống mất cân bằng, ăn quá nhiều tinh bột hóa ra là nguyên nhân!
Bệnh nhân bất ngờ vô cùng và liên tục yêu cầu bác sĩ kiểm tra lại. Bởi anh không hút thuốc, rất ít khi động tới rượu bia, luôn ngủ đủ giấc, ngủ sớm và thường xuyên vận động. Nhưng khi bác sĩ hỏi đến chế độ ăn uống cụ thể hàng ngày thì anh có chút ngập ngừng.
Anh cho biết, mình ít khi ăn rau, cũng không thích ăn nhiều thịt cá. Tuy nhiên, anh lại rất thích và ăn rất nhiều các món chứa tinh bột để bù lại. Món mà anh ăn nhiều nhất là mì ống, anh ăn nó thỏa thích với nhiều cách chế biến khác nhau và ăn gần như mỗi ngày. Tiếp theo là đến bánh bao, xíu mại và các loại bánh bột gạo, bánh nếp khác. Nếu ăn cơm, anh có thể ăn trên bát một bữa ăn và thậm chí chỉ cần trộn cơm trắng với dầu hào, nước tương cũng có thể ăn ngon lành.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Huang Huilun cho biết, chế độ ăn uống mất cân bằng và quá nhiều tinh bột là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh tiểu đường, góp phần gây ra bệnh thận ở bệnh nhân. Đặc biệt, những món bệnh nhân thường ăn đều là tinh bột tinh chế, đồng thời chúng không chỉ quá giàu chất bột đường (carbohydrate) mà còn chế biến nhiều dầu mỡ, có nhiều chất phụ gia.
Ông giải thích thêm, đúng là nhóm chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hoạt động nhưng không nên ăn quá nhiều. Khi ăn, chúng ta cũng cần kết hợp với các thực phẩm khác, nhất là rau củ quả để tạo ra sự cân bằng. Ăn thiếu chất bột đường có thể gây mệt mỏi, thiếu năng lượng… còn ăn thừa thì lại gây ra các vấn đề đối với sức sức khỏe như thừa cân, béo phì, tiểu đường, các bệnh rối loạn chuyển hóa khác.
Bởi khi dung nạp quá nhiều chất bột đường, hệ thống tiêu hóa sẽ phân hủy những thứ có thể tiêu hóa thành đường và đi vào máu, khiến lượng đường trong máu tăng. Tuyến tụy cũng dễ bị quá tải, dẫn tới rối loạn trong sản xuất và điều tiết insulin. Hai yếu tố này kết hợp sẽ dần hình thành bệnh tiểu đường. Đồng thời, chế độ ăn này duy trì quá lâu còn có thể làm tăng nồng độ urat trong huyết thanh, gây ra bệnh thận.
May mắn là tình trạng của bệnh nhân chưa quá nghiêm trọng, có thể kiểm soát bằng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống. Nhân trường hợp này, bác sĩ Huang Huilun cũng nhắc nhở mỗi chúng ta nên chú ý hơn trong ăn uống.
Để có chế độ dinh dưỡng duy trì sức khỏe tốt, một bữa ăn cân đối cần có đủ 4 nhóm thực phẩm với lượng cân bằng. Đầu tiên là nhóm bột đường: chủ yếu từ các loại ngũ cốc, thứ hai là nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...). Thứ ba là nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật) và thứ tư là nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...).
VietBF@Sưu tầm