Chế độ ăn uống không lành mạnh, uống ít nước, lạm dụng thuốc, thay đổi nội tiết tố khiến mụn đầu đen hình thành.
BS CKI Võ Thị Tường Duy, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết ai cũng có thể bị mụn đầu đen nhưng thường gặp nhất ở thanh thiếu niên do sự thay đổi nội tiết tố. Khoảng 10- 20% người ở tuổi trưởng thành vẫn tiếp tục bị mụn đầu đen hoặc lần đầu bị mụn đầu đen.
Mụn đầu đen là loại mụn trứng cá mở, có sự thông thương giữa nhân mụn với môi trường bên ngoài do lỗ chân lông hở. Các tế bào chết, chất bã nhờn của mụn trứng cá sẽ phản ứng với oxy trong không khí (chất bã bị oxy hóa), chuyển sang màu đen, tạo thành mụn đầu đen có thể nhìn thấy trên bề mặt da.
Theo bác sĩ Duy, có nhiều nguyên nhân gây ra mụn đầu đen bao gồm:
Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh
Mụn đầu đen thường xuất hiện nhiều ở các vị trí có nhiều tuyến nhờn như: mũi, trán, cằm, má, cổ, lưng, ngực, đôi khi xuất hiện trên mông, đùi, tai, nách.
Bã nhờn là chất dầu do các tuyến bã nhờn sản xuất, trộn với các phân tử chất béo (lipid) để tạo thành lớp phủ bảo vệ trên bề mặt da, bảo vệ da khỏi các mầm bệnh gây hại như: vi khuẩn, nấm. Tuy nhiên, việc sản xuất quá nhiều bã nhờn gây tình trạng da nhờn, lỗ chân lông to hơn, da bóng. Bã nhờn dư thừa kết hợp với các tế bào da chết có thể tạo thành một nốt bên trong lỗ chân lông dẫn đến mụn đầu đen, gây viêm nhiễm do vi khuẩn tích tụ. Nếu lỗ chân lông bị tắc vỡ ra, vi khuẩn sẽ xâm nhập sang các mô lân cận tạo thành mụn mới.
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Chế độ ăn uống không lành mạnh, các sản phẩm từ sữa hoặc các thực phẩm nhiều đường góp phần gây ra mụn đầu đen.
Uống ít nước
Nước giữ cho làn da ngậm nước, hỗ trợ chức năng miễn dịch, điều chỉnh lượng đường trong máu, thúc đẩy quá trình giải độc tự nhiên cho cơ thể, hỗ trợ sức khỏe của làn da, giúp ngăn lỗ chân lông bị tắc. Nếu uống ít nước sẽ tăng nguy cơ nổi mụn, nên việc bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể mỗi ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng mụn đầu đen trên da.
Sinh hoạt, nghỉ ngơi không hợp lý
Mụn trứng có thể xuất hiện do những thói quen, lối sống như:
Bị căng thẳng (về thể chất và tinh thần) sẽ làm nồng độ cortisol trong cơ thể tăng cao, tuyến bã nhờn trên da càng hoạt động mạnh.
Giấc ngủ không ngon, cơ thể không thể phục hồi sẽ kích hoạt sự gia tăng cortisol làm tăng nguy cơ gây mụn.
Không tẩy trang, làm sạch da trước và sau khi tập thể dục. Dụng cụ tập thể dục không được vệ sinh thường xuyên như nón, băng đô, thảm...
Không thường xuyên lau điện thoại khiến vi khuẩn bám vào tay trong lúc dùng điện thoại rồi chạm lên mặt sẽ dễ gây mụn.
Chà xát quá mức để cố gắng loại bỏ mụn đầu đen sẽ làm cho mụn trở nên nặng hơn. Do đó, người bệnh cần thay đổi lối sống lành mạnh hơn, có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý để giảm bớt mụn đầu đen.
Lạm dụng thuốc
Người bệnh lạm dụng thuốc khuyến khích sự thay đổi tế bào da nhanh chóng hoặc sử dụng một số loại thuốc steroid sẽ làm tăng nguy cơ nổi mụn đầu đen.
Lỗ chân lông to
Khi da sản xuất quá nhiều dầu sẽ trộn lẫn với da chết gây tắc nghẽn khiến lỗ chân lông to ra. Dù lỗ chân lông mở rộng hơn để "giải quyết" tình trạng tắc nghẽn, bã nhờn vẫn có thể kẹt lại trong lỗ chân lông do vướng phải da chết. Da chết ở cuối lỗ chân lông bị tắc sẽ tiếp xúc với không khí và bị oxy hóa, tạo thành mụn đầu đen.
Tuổi tác và sự thay đổi nội tiết tố
Tuổi tác, sự thay đổi nội tiết tố là yếu tố quan trọng gây mụn đầu đen. Mụn đầu đen có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở tuổi dậy thì do sự thay đổi nồng độ hormone làm tăng sản xuất bã nhờn.
Androgen, hormone sinh dục nam, kích hoạt tiết nhiều bã nhờn hơn, tốc độ luân chuyển tế bào da cao hơn trong tuổi dậy thì. Nam và nữ đều trải qua mức độ androgen cao hơn trong giai đoạn này.
Sự thay đổi nội tiết tố liên quan đến kinh nguyệt, mang thai, sử dụng thuốc tránh thai ở phụ nữ cũng có thể gây mụn đầu đen. Ngoài ra, nếu cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào da cũng dẫn đến nguy cơ gây mụn đầu đen.
Các yếu tố khác gây mụn đầu đen bao gồm: Lỗ chân lông bị bít tắc do dùng mỹ phẩm hoặc mặc quần áo bó sát; đổ mồ hôi nhiều; cạo râu, các hoạt động khác gây mở nang lông; độ ẩm cao; hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hội chứng tiền mãn kinh (PMS).
Theo bác sĩ Võ Thị Tường Duy, mụn đầu đen nếu được phát hiện sớm có thể rút ngắn thời gian điều trị. Do đó, khi thấy da xuất hiện mụn đầu đen, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da để khám, điều trị sớm. Tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ nghiêm trọng của mụn đầu đen, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị thích hợp.
|
|