Nhà Trắng nói Mỹ không kỳ vọng có bất kỳ bước đột phá nào về quan hệ song phương với Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Blinken.
"Trong chuyến thăm tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ giải thích chính sách của Mỹ là theo đuổi con đường ngoại giao để quản lý căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới", Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 16/6.
"Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng chuyến thăm này sẽ đưa tới bất kỳ bước đột phá nào trong quan hệ song phương với Trung Quốc", ông Sullivan nhấn mạnh.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, sự kiện ngoại giao quan trọng hơn đối với Washington trong thời gian này là chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tuần tới.
Mỹ thông báo ông Blinken sẽ đến Bắc Kinh ngày 18-19/6. Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ tới Trung Quốc kể khi ông Mike Pompeo đến Bắc Kinh tháng 10/2018.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng về chuyến thăm của ông Blinken.
Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rạn nứt những năm gần đây do các vấn đề như Đài Loan, thương mại, cùng loạt vấn đề khác. Các quan chức Mỹ nói rằng ông Blinken đến Bắc Kinh nhằm xoa dịu căng thẳng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau ở Bali, Indonesia tháng 11 năm ngoái và thống nhất nỗ lực ngăn chặn căng thẳng vượt tầm kiểm soát, trong đó có chuyến thăm của ông Blinken đến Bắc Kinh. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 2 đột ngột hủy chuyến đi sau vụ Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc với cáo buộc đây là thiết bị do thám.
Gần đây, hai bên có những động thái kiểm soát căng thẳng, trong đó có cuộc gặp kín giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị tại Áo tháng trước. Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương điện đàm hôm 14/6, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì kênh liên lạc mở và tránh leo thang căng thẳng.
Trong khi đó, Mỹ những năm gần đây đẩy mạnh tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ. Washington cũng muốn thúc đẩy New Delhi tham gia tích cực hơn trong nhóm Bộ Tứ, cùng Mỹ, Nhật Bản và Australia, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, để đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.
|