Hầu hết mọi người đều mong muốn sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, sống vui vẻ, an nhàn ngay cả khi đã lớn tuổi.
Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ, trong đó bao gồm cả chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Theo đó, trong cuộc sống hàng ngày, mọi người nên làm 5 điều này càng chậm càng tốt để giúp kéo dài tuổi thọ.
1. Ăn chậm
Khi nhai, các tuyến nước bọt bắt đầu hoạt động, tạo thêm thời gian chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa. Càng nhai kỹ, thời gian để nước bọt trộn với thức ăn càng nhiều hơn, điều này rất có lợi cho hệ tiêu hoá. Các enzyme trong nước bọt tạo ra phản ứng hóa học ban đầu để giảm tải cho các công đoạn tiêu hóa tiếp theo.
Việc giảm tốc độ ăn, nhai chậm có lợi cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, giảm gánh nặng cho đường tiêu hóa và giảm nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày và bệnh đường ruột.
Một nghiên cứu do Bệnh viện trực thuộc Trường Y Đại học Chiết Giang trên 644 tình nguyện viên tham gia cho thấy, những người ăn nhanh thường có chỉ số khối cơ thể, vòng eo và lượng mỡ nội tạng lớn hơn những người nhai chậm. Ngoài ra, những người ăn nhanh tăng 66% nguy cơ béo bụng và tăng 65% nguy cơ béo phì.
Một nghiên cứu tại Nhật Bản trên 200.000 người cũng cho thấy ăn nhanh là một yếu tố góp phần khởi phát bệnh tiểu đường.
Ăn nhanh không chỉ làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường mà còn tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu. Một nghiên cứu của Ý chỉ ra rằng ăn nhanh, đặc biệt là vào bữa trưa và bữa tối sẽ làm tăng nguy cơ mắc rối loạn lipid máu.
Ảnh minh họa.
2. Chậm rời giường
Sau khi thức dậy vào buổi sáng, mọi người không nên vội vàng rời khỏi giường mà hãy ngồi lại khoảng 5 phút. Bởi lúc này, cơ thể vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo và chưa thể thích nghi với các hoạt động mạnh. Nếu bạn bật dậy ngay sau khi rời giường sẽ dễ gây ra tình trạng choáng váng, chóng mặt. Vì vậy, nằm trên giường hoặc ngồi tựa vào đầu giường từ 3 đến 5 phút để giúp não bộ tỉnh táo, cử động tay chân nhẹ nhàng để máu lưu thông và giúp tim kịp thích nghi với môi trường xung quanh.
Ngoài ra, khi vừa tỉnh dậy, huyết áp sẽ tăng lên rất nhanh, đặc biệt là đối với những người bị huyết áp cao hoặc mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, nếu bật dậy quá nhanh, quá mạnh có thể khiến huyết áp đột ngột tăng cao, làm tăng nguy cơ vỡ mạch máu não, dễ gây ra đột quỵ.
3. Uống nước chậm rãi
Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi, làm mất một lượng nước nhất định. Tuy nhiên, nhiều người lại có thói quen đợi đến khi cảm thấy khát mới uống nước hoặc uống nước một cách vội vàng, uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn.
Uống nhiều nước cùng một lúc có thể khiến thận không bài tiết kịp bài tiết và làm giảm nồng độ natri trong máu, từ đó gây hại cho não, tim mạch và các cơ quan nội tiết. Các triệu chứng điển hình thường là tim đập nhanh, khó thở, đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn, nôn mửa và kèm theo nhức đầu, lú lẫn, co giật và hôn mê.
Vì vậy, khi uống nước, bạn nên uống từ từ, uống từng ngụm nhỏ, tránh uống liên tục để làm dịu cơn khát.
4. Khởi động cơ thể chậm rãi khi tập thể dục
Nhiều người có thói quen thực hiện các bài tập ngắn, cường độ cao thường xuyên, nhưng lại hiếm khi nhớ phải tập thêm các bài tập khởi động và các bài tập thư giãn sau tập. Mặc dù bỏ qua khởi động và thư giãn sau tập có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian, nhưng về lâu dài nó có thể làm tăng nguy cơ bị chấn thương.
Điều này là do các bài tập khởi động đóng vai trò giúp làm nóng cơ bắp, xương khớp, tăng tính linh hoạt tăng cho cơ thể, từ đó giúp tăng hiệu suất trong quá trình tập luyện và tối đa hóa lợi ích sức khỏe.
Tương tự, các bài tập thư giãn sau tập luyện cũng giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên dành thêm năm phút để tập các bài tập giãn cơ kết hợp đi bộ nhẹ nhàng, vươn vai hoặc hít thở sâu vào cuối mỗi buổi tập thể để giảm dần huyết áp, nhiệt độ cơ thể và nhịp tim.
4. Tâm tình "chậm rãi", thư thái
Tâm trạng thoải mái, thư thái là một trong những yếu tố quan trọng đối với sức khỏe và tuổi thọ. Tuy nhiên, những căng thẳng và áp lực từ xã hội, gia đình, công việc và cuộc sống có thể khiến nhiều người trở nên chán nản, lo lắng, bi quan, tức giận và cáu kỉnh.
Lo lắng và căng thẳng có thể làm giảm đáng kể tuổi thọ của bạn. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người phụ nữ bị căng thẳng hoặc lo lắng có nguy cơ tử vong vì bệnh tim, đột quỵ hoặc ung thư phổi cao gấp 2 lần. Tương tự, nguy cơ tử vong sớm cao hơn gấp 3 lần đối với nam giới thường xuyên lo lắng hoặc căng thẳng.
Các nghiên cứu khác cũng nhận thấy rằng những người bi quan có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 42% so với những người lạc quan. Do đó, việc kiểm soát căng thẳng, cười nhiều hơn và có cái nhìn tích cực về cuộc sống chính là cơ sở để kéo dài tuổi thọ.
Kết luận
Ngoài việc thực hiện 5 điều "chậm" kể trên, mọi người cũng cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh. Mọi người nên bổ sung đa dạng thực phẩm, ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc và các loại hạt, hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, loại bỏ các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu và thức khuya để tăng cường sức khỏe.
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần tập thể dục thường xuyên để giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, cải thiện chức năng tim phổi, nâng cao thể chất và ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh xâm nhập cơ thể.
VietBF@Sưu tầm