Chứng "cuồng ăn" do các vấn đề về hormone insulin cản trở chuyển glucose (đường) thành năng lượng, khiến người bệnh tiểu đường luôn thấy đói dù đã ăn nhiều.
Người bệnh tiểu đường có cảm giác đói dai dẳng, bất thường và không thỏa mãn sau khi ăn. Điều này có thể dẫn đến ăn quá nhiều và tăng cân. Chứng "cuồng ăn" cũng có thể liên quan đến các rối loạn khác như bệnh Graves (cường giáp tự miễn), chứng ăn uống vô độ, insulinoma (u tụy nội tiết)... Ăn nhiều do tiểu đường cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm nhiễm toan ceton. Đây là một biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng do cơ thể sản xuất dư thừa axit trong máu.
Chứng "cuồng ăn" phổ biến với tất cả các loại bệnh tiểu đường type 1, type 2 và tiểu đường thai kỳ.
Các triệu chứng
Khác hẳn với cơn đói bình thường, người bệnh tiểu đường "cuồng ăn" sẽ cảm thấy đói mặc dù ăn thường xuyên, thèm ăn dữ dội, ăn quá nhiều, tăng cân, mệt mỏi, khát nước, đi tiểu thường xuyên. Các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn và ợ chua (chủ yếu liên quan đến ăn quá nhiều) cũng có thể xảy ra. Tình trạng này không giống như chứng ăn vô độ. Ở người mắc chứng ăn vô độ, một phần là do cảm xúc thôi thúc ngay cả khi họ không đói. Với chứng "cuồng ăn" do tiểu đường, không có tác động của cảm xúc, người bệnh ăn quá mức chỉ vì cảm thấy đói.
Nguyên nhân
Ở người tiểu đường, chứng cuồng ăn có thể là kết quả của việc thiếu glucose (đường) hoặc cơ thể không có khả năng sử dụng glucose để tạo năng lượng. Nó cũng có thể liên quan đến các vấn đề về lượng đường trong máu.
Tăng đường huyết
Tăng đường huyết và chứng "cuồng ăn" có mối liên hệ trực tiếp và insulin là tác nhân kích hoạt. Insulin là một loại hormone hoạt động như chiếc "chìa khóa", cho phép glucose trong máu vào tế bào để sử dụng làm năng lượng. Tuy nhiên, cơ thể của người bệnh tiểu đường không tạo ra đủ hoặc không thể sử dụng insulin tốt như bình thường (kháng insulin).
Kết quả là cho dù có bao nhiêu glucose được lấy từ thức ăn thì nó cũng không đi vào tế bào như bình thường. Do không có năng lượng được tạo ra nên người bệnh cảm thấy đói thường xuyên. Điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn: ăn quá nhiều dẫn đến lượng đường trong máu cao và lượng đường trong máu cao dẫn đến các vấn đề về insulin.
Người bệnh tiểu đường thường cảm thấy đói liên tục, thèm ăn. Ảnh: Freepik
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết có thể xảy ra nếu người bệnh tiểu đường không ăn đủ chất và lượng đường trong máu giảm xuống; cũng có thể do có quá nhiều insulin trong máu. Khi đó, gan sẽ ngừng tiết glucose, khiến lượng đường trong máu giảm xuống. Điều này thường xảy ra khi một người dùng quá nhiều insulin hoặc thuốc trị tiểu đường. Không có đủ glucose để cung cấp cho các tế bào, mức năng lượng giảm xuống và cảm giác đói tăng lên ngay cả khi người bệnh đã ăn nhiều thức ăn. Các đợt hạ đường huyết cũng thường gặp vào ban đêm, dẫn đến cảm giác thèm ăn.
Nhiễm toan ceton do tiểu đường
Nhiễm toan ceton do tiểu đường là một biến chứng nghiêm trọng khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin. Khi điều này xảy ra, cơ thể bắt đầu phân hủy chất béo làm nhiên liệu, gây ra sự tích tụ axit. Các triệu chứng của nhiễm toan ceton do tiểu đường gồm khát, đi tiểu nhiều, buồn nôn hoặc nôn mửa, đau bụng, yếu hoặc mệt mỏi, hụt hơi, hơi thở có mùi trái cây, lú lẫn.
Một trong những triệu chứng ban đầu của nhiễm toan ceton do tiểu đường cũng có thể là chứng "cuồng ăn". Khi insulin bắt đầu giảm, lượng đường trong máu tăng tương ứng có thể biểu hiện ở cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, nhiễm toan ceton ngày càng trở nên nghiêm trọng sẽ ức chế một loại hormone được gọi là ghrelin chịu trách nhiệm kích thích cơn đói. Kết quả là một người sẽ mất cảm giác ngon miệng và không có hứng thú ăn uống.
Các tình trạng khác như tổn thương vùng dưới đồi, cường giáp cũng có thể khiến một người thèm ăn hơn mức bình thường. Người bệnh tiểu đường cảm thấy đói thường xuyên, ăn nhiều nhưng không thỏa mãn thì nên đi khám.