Nếu cho rằng thận chỉ quan trọng với nam giới thì bạn đã mắc sai lầm. Thực chất, thận có rất nhiều chức năng quan trọng khác ngoài duy trì đời sống tình dục. Ví dụ như các vai trò ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sống của cơ thể như: lọc máu, sản xuất hormone, hấp thu các chất khoáng, tạo ra nước tiểu, loại trừ các chất thải và trung hòa axit, điều hòa huyết áp.
Thận là một trong những cơ quan quan trọng nhưng cũng dễ bị tổn thương. Lối sống hiện đại khiến bệnh về thận ngày càng phổ biến, nhất là suy thận bởi nó rất dễ hình thành từ thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh.
Bệnh này diễn ra âm thầm và tiến triển nặng rất nhanh. Đáng lo nhất là nó rất khó chữa dứt điểm, có thể khiến chúng ta đau đớn, tốn kém và khổ sở cả đời với việc chạy thận. Ngay cả ghép thận cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tăng nguy cơ mắc bệnh khác (đặc biệt là tim mạch) và yêu cầu khắt khe hơn trong chăm sóc mãi về sau.
Vì vậy, phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Nếu không muốn sớm chạy thận, dù năm hay nữ, ở lứa tuổi nào cũng cần phải nhớ 5 điều này khi ăn uống:
1. Giảm lượng muối tiêu thụ
Theo WHO, mỗi năm có khoảng 4,1 triệu ca tử vong trên toàn thế giới xuất phát từ nguyên nhân ăn thừa muối. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới các bệnh về thận, nhất là suy thận.
Do thận chịu trách nhiệm chuyển hóa 95% lượng natri thu nạp qua thức ăn. Khi lượng muối ăn vào cơ thể ở mức cao, thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng muối dư thừa. Điều này có thể dẫn đến thận bị quá tải, suy giảm chức năng thận, khiến thận bị tổn thương và dễ mắc bệnh tật.
Ngoài ra, ăn quá nhiều muối cũng gây giữ nước và làm tăng huyết áp. Từ đó tác động xấu đến hoạt động và sức khỏe của thận. Ví dụ như huyết áp cao thường xuyên dễ đến suy thận, ngược lại bệnh suy thận làm chức năng chuyển hóa natri kém đi, làm trầm trọng thêm bệnh huyết áp.
Tóm lại, không muốn sớm chạy thận thì hãy học cách kiểm soát lượng muối nạp vào cơ thể. WHO khuyến nghị mức tiêu thụ muối trung bình của 1 người trưởng thành cần ở mức dưới 5g một ngày.
2. Tránh xa hoặc hạn chế rượu bia
Nhiều người cho rằng uống nhiều rượu bia chỉ gây hại cho dạ dày hay gan. Nhưng thực chất nó cũng đang âm thầm phá hủy thận, gây suy thận. Theo Quỹ Thận Quốc gia Mỹ, thường xuyên uống nhiều rượu bia có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Nguy cơ mắc bệnh còn cao hơn ở những người uống vừa uống nhiều rượu bia vừa hút thuốc.
Bởi vì khi uống nhiều rượu bia, thận phải làm việc nhiều hơn để lọc các chất độc hại ra ngoài. Trong một số trường hợp, uống quá nhiều rượu bia, khoảng 5 ly trở lên cùng lúc, có thể gây suy giảm chức năng thận đột ngột gọi là tổn thương thận cấp tính. Tình trạng nghiêm trọng này xảy ra khi chất độc từ rượu bia tích tụ trong máu quá nhanh khiến thận không thể duy trì sự cân bằng chất lỏng thích hợp. Dù có thể hồi phục sau khi điều trị, tổn thương thận cấp tính làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính.
Hơn nữa, uống nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tiểu đường tuýp 2. Cả hai bệnh này đều là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới bệnh thận mạn tính ở Mỹ.
3. Đừng mê đồ ăn, thức uống nhiều đường
Đường chứa đầy fructose, ăn quá nhiều sẽ hình thành axit uric, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thận. Phổ biến nhất là gây ra suy thận. Ngoài mê đồ ngọt, dùng đường như gia vị không thể thiếu trong các món ăn thì người trẻ hiện đại còn nạp quá nhiều đường từ các loại thức uống. Trong đó gây hại cho thận nhiều nhất là nước ngọt có ga.
Theo Hiệp Hội Tim mạch Hoa Kỳ thì nước ngọt chứa quá nhiều đường, 1 lon nước ngọt 350ml có thể chứa đến 7 muỗng cà phê đường. Trong khi đó, lượng đường tối đa một người trưởng thành nên thu nạp là 5 muỗng cà phê/ngày. Còn đối với trẻ nhỏ, con số này là 3 muỗng.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Y khoa Osaka (Nhật Bản) cũng chỉ ra rằng, thường xuyên uống 2 lon nước ngọt mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ suy thận. Nguyên nhân là bởi nước ngọt khi được thu nạp vào cơ thể sẽ đồng thời khiến cho lượng muối trong máu tăng lên, protein ở nước tiểu cũng tăng theo, từ đó dẫn đến suy thận.
4. Không uống quá nhiều hay quá ít nước
Chúng ta thường được khuyên rằng nên uống nhiều nước để tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, uống quá nhiều hay quá ít nước đều không tốt cho thận. Thời điểm uống và cách uống nước cũng ảnh hưởng rất lớn tới thận.
Theo các nghiên cứu khoa học, một ngày một người bình thường nên bổ sung từ 1,5 - 2 lít nước, không bao gồm cả các loại chất lỏng khác. Đừng uống thừa nước vì nó dễ khiến hạ natri máu, tạo gánh nặng cho thận. Từ đó có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, bệnh thận… thậm chí là tổn thương não, co giật hoặc hôn mê.
Bên cạnh đó, đừng đợi khát rồi mới uống hay uống một lần quá nhiều nước. Nên uống rải rác mỗi lần một chút trong suốt ngày dài một cách chủ động. Cũng không nên uống quá nhanh mà cần uống từ từ. Cũng không nên uống trong khoảng 30 phút trước khi đi ngủ ban đêm để tránh thận phải làm việc quá sức và ảnh hưởng xấu tới chất lượng giấc ngủ.
5. Kiểm soát lượng thịt tiêu thụ
Việc bổ sung chất đạm (protein) rất quan trọng. Thiếu chất đạm sẽ khiến cơ thể yếu đi, cơ bắp giảm sút, cơ thể mất chức năng sửa chữa… Nhưng ít ai biết rằng việc nạp quá nhiều protein cũng có hại với thận. Bởi protein chuyển hóa cần phải thông qua thận, nên cần phải kiểm soát lượng protein nạp vào, nhất là protein từ động vật, hay gọi chung là thịt.
Thịt động vật chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng cũng giàu purin. Thành phần này khi đi vào cơ thể sẽ phân hủy thành axit uric mà hàm lượng axit uric cao sẽ tạo áp lực cho thận, tích tụ lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ sỏi thận.
Do đó, nếu có thói quen tiêu thụ quá nhiều thịt thì bạn nên hạn chế lại ngay. Thay vào đó hãy bổ sung nhiều rau quả để tốt hơn cho cơ thể lẫn sức khỏe thận. Cần nhớ rằng, mỗi ngày 1 người trưởng thành (không phải vận động quá nặng) chỉ nên ăn khoảng 150g thịt động vật. Cũng nên uống đủ nước để quá trình tiêu hóa và cải thiện chức năng thận khi ăn thịt được diễn ra hiệu quả hơn.
|
|