Để bảo quản khoai tây trong thời gian dài, bạn hãy chú ý đến những điều sau.
Khoai tây là một trong những loại rau củ bổ dưỡng, được nhiều người yêu thích. Bạn có thể chế biến nó thành nhiều món như nấu canh, nấu súp, làm bánh, xào, chiên, nướng...
Thông thường, các bà nội trợ sẽ mua khoai tây về cất trong bếp và để dùng dần.
Tuy nhiên, nhiều người sẽ gặp tình trạng khoai tây chỉ qua vài hôm là bắt đầu chuyển màu xanh và mọc mầm.
Khi khoai tây đã mọc mầm, nó sẽ sinh ra chất độc có hại cho sức khỏe. Tốt nhất bạn không nên ăn loại khoai tây này.
Để bảo quản khoai tây được lâu mà không bị mọc mầm, bạn hãy tham khảo cách dưới đây.
Bảo quản khoai tây bằng màng bọc thực phẩm
Nếu bạn mua khoai tây với lượng nhỏ, chỉ vài củ, hãy lấy màng bọc thực phẩm bọc kín các củ khoai lại, ép hết không khí thừa bên trong ra. Sau đó, cho khoai tây vào túi giấy để tránh ánh sáng.
Làm như vậy, khoai tây sẽ không thể quang hợp và ngăn sự nảy mầm diễn ra.
Dùng baking soda
Baking soda có thể giúp khoai tây không bị chuyển màu xanh, ngăn chặn sự mọc mầm. Đầu tiên, bạn hãy chuẩn bị một hộp giấy sạch. Rắc một lớp baking soda xuống dưới đáy hộp giấy. Sau đó, xếp khoai tây vào hộp. Dùng khăn giấy hoặc giấy báo cũ phủ lên bề mặt khoai tây để hút ẩm. Đóng hộp lại và để nở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.
Bảo quản chung với táo
Chuẩn bị một chiếc hộp (hoặc túi nilon đen) và xếp khoai tây vào bên trong. Sau đó, đặt táo lên trên. Táo sẽ sản sinh ra khí ethylen giúp ức chế sự nảy mầm của khoai tây. Để khoai tây ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
Trong quá trình bảo quản, bạn hãy thường xuyên kiểm tra thùng khoai tây. Nếu táo hỏng thì cần đem bỏ đi và thay bằng quả mới để duy trì hiệu quả.