Chứng ợ nóng, ợ chua thường do trào ngược acid dạ dày (trào ngược dạ dày thực quản - GERD) gây ra. Một số loại nước uống có thể làm giảm các triệu chứng này.Sau 50 tuổi, gần một nửa dân số bị ảnh hưởng bởi chứng ợ nóng. Nếu chứng ợ nóng xảy ra sau một bữa ăn thịnh soạn thì không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu chúng lặp đi lặp lại thường xuyên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để phát hiện nguyên nhân gây ra chứng bệnh này và có phác đồ điều trị phù hợp.
Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia trị liệu tự nhiên người Pháp Angélica Alcantara:
1. Những nguyên nhân gây ra chứng ợ nóng
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây ợ chua, ợ nóng. Ngoài ra, một số yếu tố có thể gây ra tình trạng này với các nguyên nhân sau:
- Thừa cân: Làm tăng áp lực trong dạ dày, gây ra các cơn trào ngược dạ dày đồng thời gây viêm dạ dày.
- Căng thẳng, mệt mỏi: Làm tăng tiết acid dạ dày, và làm giảm lượng enzym tiêu hóa dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
- Chế độ ăn uống không cân bằng: Chế độ ăn uống kém sẽ làm cạn kiệt enzym tiêu hóa. Ngoài ra, nó không cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của màng nhầy ống tiêu hóa.
- Hút thuốc: Ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến niêm mạc dạ dày.
Ngoài ra, còn do, tiêu thụ quá nhiều rượu hoặc cà phê, đẩy thời gian ăn tối quá gần giờ đi ngủ, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori...
2. Một số loại nước uống làm giảm chứng ợ nóng
Có nhiều phương pháp điều trị tự nhiên để giảm chứng ợ nóng một cách hiệu quả và nhanh chóng, trong đó có 5 loại nước uống sau:
- Uống nước ấm: Trong trường hợp bị đau dạ dày, điều quan trọng là phải cung cấp đủ nước thường xuyên. Trong khi nước lọc vẫn là giải pháp tốt nhất cho cơn đau dạ dày thì uống nước ấm có thể giúp làm dịu cơn đau.
Trên thực tế, sức nóng của nước có thể làm thư giãn các cơ bụng và do đó làm giảm các cơn co rút liên quan đến sự co bóp của các cơ bụng. Nhiệt cũng kích thích sản xuất dịch dạ dày, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiêu hóa.
Tránh nước quá lạnh hoặc nước đá cũng như đồ uống có ga, có thể làm trầm trọng thêm chứng ợ nóng và gây đầy hơi.
- Nước ép khoai tây: Nước ép khoai tây sống là một phương thuốc khá cổ điển, được biết đến để làm giảm trào ngược acid và giúp liền các vết loét dạ dày.
- Lô hội: Gel lô hội rất giàu chất nhầy, enzyme và acid salicylic, bảo vệ niêm mạc dạ dày, giúp liền sẹo và giảm viêm.
Cách dùng: Uống 1 thìa súp gel lô hội trước mỗi bữa ăn.
Trà gừng tươi: Gừng là chất bảo vệ dạ dày, giúp chống viêm và chống buồn nôn.
Cách dùng: Hãm vài lát gừng tươi sau mỗi bữa ăn.
- Trà bạc hà: Lá bạc hà tạo thuận lợi cho tiêu hóa. Lưu ý một số người có thể có sự gia tăng nồng độ acid thì không dùng loại trà này.
Cách dùng: Uống một tách trà bạc hà (vài chiếc lá) sau mỗi bữa ăn.
3. Làm thế nào để làm dịu chứng ợ nóng?
- Về ăn uống: Tránh ăn số lượng quá lớn, nên ăn những khẩu phần nhỏ; tránh uống quá nhiều cà phê, uống cà phê khi bụng đói vì dễ gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Giảm tiêu thụ đồ uống có cồn; tránh đồ chiên rán và đồ ăn quá béo càng nhiều càng tốt (vì chúng làm chậm quá trình rỗng của dạ dày. Thức ăn ở trong dạ dày càng lâu càng có nguy cơ trào ngược lên thực quản).
Kết hợp các loại thực phẩm để dễ tiêu hóa (như thức ăn giàu đạm với rau củ, không ăn thức ăn giàu đạm với tinh bột). Tránh các thức ăn gây kích ứng (ớt, hành sống...). Dành thời gian nhai kỹ để dạ dày hoạt động dễ dàng hơn.
- Về mặc và sinh hoạt: Tránh mặc quần áo quá chật quanh eo, đặc biệt là sau bữa ăn, vì điều này làm tăng áp lực lên dạ dày và thúc đẩy trào ngược dạ dày.
Không nên đi ngủ ngay sau khi ăn (nên đi ngủ cách giờ ăn tối ít nhất 2 giờ). Ngủ kê cao gối và lý tưởng nhất là nằm nghiêng bên trái để giúp dạ dày được "rỗng" dễ dàng.
Hãy chú ý đến tư thế, gù lưng sẽ tạo ra áp lực lên dạ dày và do đó làm tăng nguy cơ bị trào ngược.
|