Béo phì xảy ra khi cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ, dễ gây ra nhiều bệnh như: Đột qụy, tiểu đường tuýp 2, viêm xương khớp, ung thư (nội mạc tử cung, vú, ruột kết)… Các bác sĩ nhận định, béo phì trực tiếp tác động đến bệnh tiểu đường tuýp 2…
Một nghiên cứu đã chỉ ra, cứ trong vòng 24 tiếng đồng hồ ở Mỹ lại có thêm 17.280 bệnh nhân đái tháo đường mới, tuy nhiên còn 5% bệnh nhân chưa phát hiện được. Hiện bệnh đái tháo đường được chia thành type 1, type 2 và thai kì. Trong đó đái tháo đường type 1 là bệnh tự miễn, cần có insulin để sống và không thể ngăn ngừa được nên tỉ lệ tử vong cao. Còn đái tháo đường type 2 là do cơ thể đề kháng insulin dẫn đến tăng đường huyết, có thể ngăn ngừa bằng ăn uống lành mạnh, vận động.
Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều người mắc bệnh đái tháo đường nhưng không biết cho đến khi vô tình xét nghiệm máu, nước tiểu. Bên cạnh đo chỉ số đường huyết, các triệu chứng nhận biết một người bị đái tháo đường gồm tiểu nhiều, khát nhiều, thèm ăn, ăn nhiều nhưng nhanh đói, vết thương khó lành, sụt cân, tê đầu ngón chân và tay, hoa mắt, cảm giác mệt mỏi, nhìn mờ.
Ảnh minh hoạ
Béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2 có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi tỉ lệ béo phì tăng lên nhanh thì tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng sẽ tăng theo. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, nếu năm 2000, tỉ lệ người bệnh tiểu đường trên toàn thế giới chỉ có 171 triệu người, dự đoán số này sẽ tăng lên 366 triệu vào năm 2030. Riêng tại Việt Nam hiện có hơn 5 triệu người bị tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường tuýp 2 đang tăng nhanh, đặc biệt ở các nước đang phát triển và các nước phát triển. Nguyên nhân do dân số các nước đang phát triển chuyển sang lối sống giàu có hơn với chế độ ăn uống ít dưỡng chất, không lành mạnh, ít hoạt động thể chất nên dễ thừa cân, béo phì dẫn đến bệnh tiểu đường.
Người béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao gấp 6 lần so với những người có cân nặng khỏe mạnh. Nhưng không phải người bệnh béo phì nào cũng sẽ mắc bệnh tiểu đường. Một số người bệnh béo phì sản xuất nhiều insulin hơn mà không làm quá tải tuyến tụy.
Các bác sĩ nhận định, những người béo phì là đối tượng dễ bị mắc hội chứng chuyển hóa (béo trung tâm, rối loạn dung nạp glucose, kháng insulin, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp). Khi lao động thể lực giảm xuống, tình trạng thừa mỡ, thừa năng lượng tăng lên thì tình trạng đái tháo đường type 2 cũng tăng lên. Trong thực tế, nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng, giảm cân cải thiện tình trạng tăng nhạy cảm của insulin và ngược lại. Đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy những biến chứng của béo phì như đái tháo đường là kết quả của chuyển hóa bất thường, là sự dư thừa các acid béo tự do, các triglyceride trong các tế bào không phải tế bào mỡ. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng các tế bào beta của - đảo tụy khi bị tích lũy quá nhiều mỡ sẽ bị nhiễm độc mỡ. Chính nhiễm độc lipid là nguyên nhân gây chết tế bào và gây ra giai đoạn tiền lâm sàng của người mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Trong bệnh béo phì, quá trình tích lũy mỡ xảy ra một thời gian dài, do đó sự suy giảm khả năng tự bảo vệ chống lại quá trình nhiễm mỡ có thể xảy ra ở một số thời điểm và triglyceride dần được tích lũy lại. Ở người béo phì, đái tháo đường thường xuất hiện sau khi 50-70% tế bào tiểu đảo bị tổn thương, trong khi thử nghiệm bằng cách cắt bỏ tụy thì phải trên 90% lượng tế bào tiểu đảo bị cắt bỏ, bệnh đái tháo đường mới xuất hiện.
Đái tháo đường type 2 có rất nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó béo phì là một trong những yếu tố đó. Điều tra dịch tễ học đái tháo đường quốc gia của Việt Nam cho thấy, khi chỉ số BMI là 22.6kg/m3 đã có liên quan chặt chẽ với người mắc bệnh đái tháo đường. Khi mắc bệnh béo phì, sẽ sản sinh ra chất đề kháng insulin.
Insulin là một hormon do các tế bào đảo tụy tiết ra và có vai trò kiểm soát lượng đường máu trong cơ thể. Sau khi ăn, một lượng đường khá lớn được hấp thu vào trong máu. Nhờ có insulin đường mới đi vào tế bào, được cơ thể sử dụng và lượng đường này được giữ ở mức an toàn, vừa đủ cho cơ thể sử dụng.
Với người béo phì, thời kì đầu mới phát béo, chức năng sản xuất insulin còn bình thường nhưng dần dần do sự đề kháng insulin tăng lên làm hiệu quả hoạt động của chất này giảm sút. Để khắc phục hiện tượng này, tuyến tụy phải hoạt động quá sức dẫn đến chức năng sản sinh ra insulin ở tụy giảm dần, lúc này insulin trong cơ thể sẽ không đủ để duy trì việc chuyển hóa đường trong máu ở mức bình thường nữa. Do vậy đái tháo đường xuất hiện.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Bác sĩ, Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Kim Lưu, nguyên Giám đốc Trung tâm U Bướu và Y học hạt nhân cho hay, mối liên hệ giữa béo phì và tiểu đường thực ra là mối quan hệ nhân quả. Từ béo phì sinh ra bệnh đái tháo đường còn đã đái tháo đường rồi thì khó sinh ra được béo phì. Khi béo phì, dư thừa năng lượng sẽ gây ra rối loạn chuyển hoá, mà rối loạn chuyển hoá sớm nhất là rối loạn chuyển hoá đường. Và từ rối loạn chuyển hoá đường sinh ra các rối loạn chuyển hoá khác như rối loạn chuyển hoá mỡ, chuyển hoá lipit… một vòng xoắn bệnh lí.
Bác sĩ, Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Kim Lưu khẳng định, những cái này có mối liên hệ khăng khít với nhau, khởi đầu là béo phì sau đó đến đái tháo đường, đái tháo đường gây ra tăng mỡ máu và rất nhiều bệnh lí khác. Do vậy, nguyên Giám đốc Trung tâm U Bướu và Y học hạt nhân khuyên rằng việc duy trì bữa ăn, cân nặng hợp lí, khoa học là cực kì quan trọng, giúp chúng ta phòng tránh được nhiều bệnh tật nguy hiểm, trong đó có đái tháo đường.
VietBF@sưu tập