Da khô có thể do rửa mặt nhiều lần trong ngày, ít dùng kem dưỡng ẩm hay sản phẩm tẩy tế bào chết, chế độ ăn uống kém dinh dưỡng.
Da khô rất thường gặp, có thể ảnh hưởng đến nhiều người, bất kể tuổi tác, giới tính, sức khỏe, thói quen chăm sóc da. Bề mặt da thường bị nhám, bong tróc, ngứa, gãi nhiều có thể gây tổn thương và dẫn đến nhiễm trùng.
Nếu thường xuyên dưỡng ẩm nhưng da vẫn khô, bạn nên xem lại những yếu tố về thói quen, môi trường sống, tình trạng sức khỏe dưới đây.
Tắm, rửa mặt quá nhiều
Tắm và rửa mặt nhiều có thể làm mất đi những chất được tạo thành từ dầu và các loại axit khác nhau (axit amin, axit hyaluronic) giúp giữ ẩm da tự nhiên. Chúng hoạt động như rào cản để giữ độ ẩm bên trong da.
Tương tự, rửa tay thường xuyên và sử dụng sản phẩm khử trùng cũng có thể làm khô da tay. Nhiều loại xà bông có tính kiềm gây kích ứng và làm mất độ ẩm tự nhiên. Do đó, chỉ nên tắm rửa 1-2 lần mỗi ngày, thay vì chà xát hãy vỗ nhẹ cho da khô, sau đó thoa kem dưỡng ẩm.
Dùng sản phẩm có mùi hương
Chất tạo mùi thơm trong sản phẩm chăm sóc da, bột giặt, chất làm mềm vải cũng có thể gây kích ứng và khiến da khô. Nữ giới thường xuyên sử dụng sản phẩm có mùi thơm, làn da nhạy cảm có nguy cơ cao gặp vấn đề này.
Dùng kem dưỡng ẩm hết hạn
Nếu kem dưỡng ẩm của bạn có vẻ kém hiệu quả hơn trước thì nên kiểm tra hạn sử dụng. Dù chúng thường có hạn khá lâu nhưng các thành phần trong sản phẩm có thể giảm tác dụng theo thời gian. Bảo quản kem dưỡng ẩm ở nơi có nhiệt độ cao như cửa sổ, gần bếp, có thể ảnh hưởng đến chất lượng.
Không tẩy tế bào chết
Da liên tục bong ra các tế bào khô, chết và thay thế chúng bằng những tế bào mới. Đôi khi, các tế bào chết tích tụ trên bề mặt da và khiến da trông bong tróc. Tẩy tế bào chết một tuần một lần giúp da mịn màng, hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
Tắm nước nóng
Tắm nước nóng lâu có thể mang lại cảm giác dễ chịu nhưng nhiệt độ và tiếp xúc lâu với nước có thể làm giảm lớp dầu trên da. Mọi người chỉ nên tắm bằng nước ấm trong tối đa 10 phút. Dùng khăn vỗ nhẹ cho da khô thay vì chà xát, sau đó thoa kem dưỡng.
Dùng máy điều hòa nhiệt độ
Da khô vào mùa hè cũng có thể do sử dụng điều hòa nhiệt độ để làm mát quá nhiều. Gia đình có thể đặt thêm máy tạo độ ẩm trong nhà, nhất là khi sống ở nơi có khí hậu khô.
Đi bơi
Chất clo trong nước bể bơi cũng là tác nhân khiến da rỗng hơn, làm thoát ẩm ra ngoài. Clo còn có thể khiến da đỏ, ngứa, sưng hoặc đóng vảy. Nên tắm rửa sạch và dưỡng ẩm da sau khi bơi.
Uống ít nước
Khoảng 20% lớp biểu bì là nước. Mất nước khiến da mất đi độ đàn hồi. Uống nhiều nước có thể cải thiện quá trình hydrat hóa làn da, khắc phục tình trạng khô da.
Thiếu dinh dưỡng
Ăn uống không đủ chất dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe làn da. Thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất nhất định có thể khiến da không thể mịn màng, căng bóng. Các chất dinh dưỡng quan trọng cho da khỏe đẹp gồm kẽm, vitamin B, C, D và E. Nên bổ sung dầu cá, collagen, axit hyaluronic bằng chế độ ăn uống hoặc thực phẩm bổ sung.
Tuổi tác
Khi bạn già đi, lớp biểu bì mất đi một lượng nước, sản xuất ít dầu hơn dẫn đến da khô, thô ráp. Theo Học viện Da liễu Mỹ (AAD), hầu hết mọi người đều bị khô da ở tuổi 60. Người lớn tuổi cũng có nhiều khả năng mắc các bệnh lý hoặc sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh gây khô da.
|