Khi tập thể dục, nhất là sau khi chạy, đầu gối là bộ phận hoạt động khá nhiều nên việc đau đầu gối không phải là hiếm gặp. Ngoài ra, mọi người cũng có thể có cảm giác nóng rát bao trùm toàn bộ đầu gối, nhưng thường cảm giác đó ở một khu vực cụ thể, phổ biến nhất là phía sau đầu gối và phía trước đầu gối (xương bánh chè). Đối với một số người, cảm giác nóng rát tập trung dọc theo hai bên đầu gối. Vậy tình trạng này xảy ra do đâu? Làm thế nào để cải thiện?
1. Nguyên nhân gây ra cảm giác nóng đầu gối sau khi tập thể dục
Đầu gối cảm thấy nóng sau khi tập thể dục có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khoẻ, chẳng hạn như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và bệnh gút.
1.1. Nóng đầu gối do viêm khớp
Viêm khớp là tình trạng viêm một hoặc nhiều khớp. Đau, sưng và cứng khớp là những triệu chứng chính của viêm khớp. Bất kỳ khớp nào trong cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này, nhưng khớp ảnh hưởng phổ biến nhất là đầu gối.
Viêm khớp không thể chữa trị hoàn toàn nhưng những biện pháp giúp giảm các triệu chứng và có khả năng làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Có nhiều dạng viêm khớp khác nhau, trong đó viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và gút là 3 tình trạng viêm khớp phổ biến gây ra tình trạng đau, nóng ở đầu gối.
- Viêm xương khớp: đây là tình trạng khớp mãn tính phổ biến. Theo Mayoclinic, viêm xương khớp xảy ra khi sụn bảo vệ đệm các đầu xương bị mòn theo thời gian.
Mặc dù viêm xương khớp có thể làm tổn thương bất kỳ khớp nào, nhưng chứng rối loạn này thường ảnh hưởng đến các khớp ở tay, đầu gối, hông và cột sống. Các triệu chứng điển hình khi bị viêm xương khớp như: các khớp bị ảnh hưởng có thể bị đau trong hoặc sau khi di chuyển, độ cứng khớp có thể thấy rõ nhất khi thức dậy hoặc sau khi không hoạt động, khớp mất tính linh hoạt, nghe thấy tiếng bốp hoặc răng rắc khi vận động, sưng tấy và xuất hiện các cục cứng.
- Viêm khớp dạng thấp: đây là một chứng rối loạn viêm mãn tính có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác không chỉ là khớp. Ở một số người, tình trạng này có thể gây tổn thương nhiều hệ thống cơ thể, bao gồm da, mắt, phổi, tim và mạch máu.
Không giống như tổn thương do sụn bị hao mòn như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, gây sưng đau, cuối cùng có thể dẫn đến xói mòn xương và biến dạng khớp.
Các triệu chứng điển hình của viêm khớp dạng thấp bao gồm: Các khớp mềm, ấm, sưng tấy; Cứng khớp thường nặng hơn vào buổi sáng và sau khi không hoạt động; Mệt mỏi, sốt và chán ăn; da, mắt, phổi, tim, tủy xương,... cũng có thể bị ảnh hưởng.
- Gút: bệnh gút là một dạng viêm khớp phổ biến và phức tạp. Triệu chứng điển hình của bệnh gút là các cơn đau, sưng, tấy đỏ và đau dữ dội, có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp, thường gặp nhất là ở ngón chân cái.
Cơn gút thường xảy ra đột ngột, khiến bạn thức giấc vào nửa đêm với cảm giác ngón chân cái như đang bốc cháy. Khớp bị ảnh hưởng nóng, sưng và đau, các cơn đau gây ra cảm giác rất khó chịu.
1.2. Nóng đầu gối do chấn thương
Đầu gối có thể trở nên nóng sau khi tập thể dục do các chấn thương tiềm ẩn, bao gồm rách gân, dây chằng và sụn chêm. Theo Viện Viêm khớp và Các bệnh về Cơ xương và Da Hoa Kỳ, tổn thương các cấu trúc này có thể gây ra tiếng kêu ở khớp và ảnh hưởng đến sự ổn định tổng thể của đầu gối.
Ngoài ra, đầu gối nóng sau khi tập thể dục cũng có thể xảy ra ở người bị chấn thương do hoạt động quá mức, chẳng hạn như viêm bao hoạt dịch. Viêm bao hoạt dịch là tình trạng viêm túi chứa dịch lỏng ở khớp gối. Tình trạng này thường xảy ra vận động khớp gối quá mức, đầu gối chịu áp lực thường xuyên và kéo dài,...
Theo Viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ, cảm giác nóng đầu gối cũng có thể xảy ra do hội chứng đau xương bánh chè, tình trạng này phổ biến ở những người chạy và chơi các môn thể thao liên quan đến chạy và nhảy. Các cơn đau thường ở phía trước đầu gối, xung quanh xương bánh chè.
2. Cách khắc phục tình trạng nóng đầu gối sau khi tập thể dục
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, chẳng hạn cảm giác nóng đầu gối do viêm khớp thì mọi người có thể kiểm soát cơn đau bằng thuốc không kê đơn, tiêm cortisone theo hướng dẫn của bác sĩ, vật lí trị liệu,...
Tuy nhiên, để giảm các cơn đau hoặc nóng rát đầu gối một cách tạm thời, mọi người có thể nghỉ ngơi, chườm đá, xoa bóp nhẹ nhàng.
Bạn nên đến bệnh viện thăm khám nếu bị cứng đầu gối, cảm thấy hoặc nghe thấy tiếng rắc hoặc vướng vào đầu gối, gặp khó khăn khi đi lại, tê và yếu ở vùng đầu gối. Ngoài ra, hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị sốt, phát ban, sưng hoặc đỏ ở đầu gối hoặc các khớp khác.
3. Cách tập thể dục để tránh bị nóng đầu gối
Tập thể dục đúng cách sẽ giúp bạn phòng ngừa được tình trạng cảm thấy nóng ở đầu gối. Dưới đây là một vài lời khuyên khi tập thể dục vừa giúp bạn nâng cao sức khỏe lại bảo vệ được xương khớp và tránh các chấn thương.
- Hướng dẫn cách tập thể dục cho người bị viêm khớp
Nhiều người cho rằng tập thể dục có thể làm các triệu chứng viêm khớp trở nên tồi tệ hơn, nhưng điều này hoàn toàn sai lầm. Thể dục đúng cách giúp làm giảm đau khớp và cải thiện chức năng, tâm trạng và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Theo CDC, những người bị viêm khớp nên tránh các bài tập có cường độ mạnh mà thay vào đó nên lựa chọn các bài tập dẻo dai như duỗi tay lên cao hoặc lăn vai về phía trước và phía sau, aerobic, đi bộ, đạp xe, bơi lội, thể dục nhịp điệu dưới nước, làm vườn nhẹ nhàng, khiêu vũ,... Những người bị viêm khớp nên hoạt động thể chất vừa phải trong 150 phút mỗi tuần.
- Hướng dẫn cách tập thể dục phòng ngừa chấn thương
Để tránh các chấn thương khi tập thể dục, mọi người nên lưu ý một số vấn đề như: khởi động trước khi tập luyện, chọn giày phù hợp, không tập luyện quá mức hoặc đốt cháy giai đoạn, giành thời gian để nghỉ ngơi trong quá trình tập luyện, uống đủ nước, thực hiện đa dạng các bài tập và không thực hiện các bài tập quá sức, ưu tiên các trang phục thoải mái. Đặc biệt, bạn nên ngừng tập thể dục ngay khi cảm thấy đau hoặc nóng khớp.
|
|