Thực phẩm dễ gây sỏi thận thường là nhóm có chứa nhiều oxalat, purin, natri và chất cồn như bắp cải, rau củ muối chua, nước ngọt, rượu bia.
Sỏi thận là bệnh lý phổ biến. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh gây tắc nghẽn niệu đạo, tổn thương thận. Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây sỏi thận là ăn uống chưa phù hợp. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khoa học, dựa trên đặc điểm bệnh hỗ trợ ngăn ngừa sỏi thận hiệu quả.
Nhiều oxalat: Oxalate và canxi có xu hướng liên kết với nhau trong ruột và được bài tiết ra khỏi cơ thể thông qua phân. Tuy nhiên, nếu cơ thể không hấp thụ đủ canxi thì lượng oxalate thừa trong ruột được ruột non hấp thụ, vận chuyển vào nước tiểu, tăng nguy cơ hình thành sỏi thận oxalate ở niệu quản.
Thực phẩm chứa oxalate không nên ăn quá nhiều bao gồm rau dền, củ cải đỏ, trắng, bắp cải brussels, các loại hạt và đậu, cà phê, rượu vang đỏ, trà đen, bia, chocolate, dưa ngâm chua, bột cacao, mì ống, bánh quy.
Thực phẩm nhiều purin: Axit uric là sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa purin, một loại protein có trong nhiều thực phẩm khác nhau. Ăn quá nhiều món chứa nhiều purin có thể tăng nồng độ axit uric trong nước tiểu, gây kết tủa, sỏi thận. Tích tụ quá mức axit uric còn làm tổn thương cấu trúc lọc của thận, tăng nguy cơ kết tủa các chất trong nước tiểu.
Mỗi người cần hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, sò điệp, mực, cá ngừ, tôm, gà, vịt, bia, rượu, gan, tim, não động vật, nấm hương, nấm đùi gà, nấm mỡ.
Giàu natri: Natri làm tăng lượng canxi được bài tiết trong nước tiểu, là chất kết dính mạnh mẽ trong nước tiểu, thu hút các hợp chất khác và tạo điều kiện cho chúng kết hợp lại với nhau. Natri kích thích cơ thể giữ nước trong máu. Nước tiểu có xu hướng cô đặc hơn, tăng nguy cơ kết tủa và hình thành sỏi thận.
Ăn nhiều natri còn gây tăng huyết áp do tăng lưu lượng nước tích trữ trong cơ thể. Điều này cũng có thể tăng nguy cơ sỏi thận và thúc đẩy suy thận mạn tính tiến triển.
Nếu muốn kiểm soát hàm lượng natri tiêu thụ, bạn nên đọc kỹ bảng thành phần giá trị dinh dưỡng in trên vỏ bao bì thực phẩm. Các món nhiều natri cần hạn chế bao gồm đồ hộp, mì ăn liền, bánh quy mặn, lạp xưởng, xúc xích, thịt xông khói, thức ăn nhanh, hải sản khô, các loại mắm, nước ngọt, nước tăng lực, soda, rau củ muối chua.
Thực phẩm giàu caffeine: Caffeine là chất kích thích hệ thần kinh được tìm thấy nhiều trong cà phê, trà, nước tăng lực và một số loại thuốc giảm đau phổ biến (panadol, paracetamol...).
Caffeine có thể thúc đẩy quá trình hình thành sỏi do tăng nồng độ canxi trong nước tiểu, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến cơ chế điều chỉnh nước và các ion trong cơ thể. Điều này góp phần tạo điều kiện cho sỏi thận hình thành. Để giảm nguy cơ sỏi thận có thể giới hạn lượng caffeine tiêu thụ xuống dưới mức 400 mg mỗi ngày.
Bánh ngọt và đồ uống có đường: Đường làm tăng nồng độ canxi và oxalate trong nước tiểu, tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Đường fructose cũng làm tăng nồng độ axit uric, nguy cơ hình thành sỏi axit uric. Thực phẩm giàu đường khiến cơ thể tích tụ mỡ nhiều, gây thừa cân, béo phì, tiểu đường... ảnh hưởng đến cách thận hoạt động, dễ hình thành sỏi thận.
Rượu, bia: Đồ uống chứa nhiều purin, được cơ thể chuyển hóa thành axit uric. Nếu tiêu thụ rượu bia quá mức, trong thời gian dài, lượng axit uric trong nước tiểu sẽ tăng, thúc đẩy hình thành sỏi axit uric.
Rượu bia cũng làm thay đổi pH nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi hình thành sỏi thận từ các hợp chất khác như oxalate và phosphate. Lạm dụng rượu trong thời gian dài có thể gây tổn thương thận, làm giảm khả năng lọc và cân bằng các chất trong cơ thể.
Bác sĩ Duy Tùng cho biết để hạn chế nguy cơ sỏi thận, mỗi người cần uống đủ nước, khoảng 1,5-2 lít mỗi ngày. Khi cơ thể không duy trì đủ lưu lượng chất lỏng chảy qua thận, nước tiểu trở nên cô đặc hơn. Điều này làm tăng nồng độ các chất như canxi, oxalate và axit uric, khiến chúng kết tủa, hình thành sỏi thận.
|
|