Hiện nay trong các gia đình, bên cạnh các loại bếp điện, bếp từ hiện đại, bếp gas vẫn được ưa chuộng sử dụng hơn cả. Ưu điểm của loại bếp này là dễ dàng sử dụng bởi mọi đối tượng. Khi bật bếp thông qua núm vặn cơ học hoặc các nút bấm điện tử, khí gas từ bình sẽ đi qua đường ống dẫn khí, lên đến các vòi phun của bếp dưới mâm chia lửa. Đồng thời, bộ phận gốm áp điện hoặc một mạch điện tử sẽ tạo ra tia lửa, bắt vào dòng khí. Từ đó khí gas sẽ bốc cháy thành ngọn lửa và được phân bổ đến các đầu phun.
Dù việc sử dụng dễ dàng và quen thuộc là vậy, song vẫn có một số lưu ý dù nhỏ, nhưng có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của người dùng, mà nhiều người vẫn chưa thực sự chú ý tới. Đó chính là danh mục các vật dụng được khuyến cáo không nên để gần bếp.
Những vật dụng không nên để gần bếp gas
1. Dầu ăn
Nhiều gia đình có thói quen để các loại gia vị hay dụng cụ nấu nướng gần bếp gas nhất có thể để tiện cho việc sử dụng. Tuy nhiên với dầu ăn, các chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không nên. Bởi khi bật bếp gas, nếu vô tình để dầu ăn đổ ra bếp có thể dẫn tới nguy cơ cháy nổ nguy hiểm "Đặt dầu ăn cạnh bếp gas rất không an toàn và có thể gây cháy nổ", chuyên gia nói.
Bên cạnh đó, nếu không làm đổ dầu ăn mà chỉ cần để hở nắp lọ dầu ăn, bếp cháy dưới nhiệt độ rất cao sẽ tạo phản ứng oxy hóa, từ đó dầu ăn sẽ bị mất đi giá trị dinh dưỡng và mùi vị ban đầu, khiến dầu ăn nhanh hỏng. Chính vì vậy người dùng tốt hơn hết hãy đặt những chai dầu ăn hoặc bát dầu ăn đang sử dụng của nhà mình ở vị trí tủ bếp hoặc bàn bếp cách xa bếp gas để vừa đảm bảo an toàn cũng như giữ được giá trị của dầu ăn.
2. Tinh bột, bột mì, bột chiên và các chất dạng bột
Xếp thứ 2 trong danh sách những thứ không nên để cạnh hoặc quá gần bếp gas của các gia đình đó là các loại tinh bột, bột mì hay bột chiên. Theo các chuyên gia, những thứ bột này có chứa Carbohydrate - một chất dễ bắt lửa và dễ cháy. Chính vì vậy hãy đặt các chất dạng bột này xa bếp gas để phòng tránh tối đa khả năng cháy nổ nguy hiểm.
3. Rượu trắng và đồ có cồn
Bên cạnh các loại gia vị phổ biến, nhiều người cũng thường sử dụng rượu trắng hay các chất có cồn khác để nêm nếm thêm cho bữa ăn gia đình hàng ngày. Vì vậy việc rượu trắng, chất có cồn xuất hiện trong căn bếp là điều không hiếm gặp. Tuy nhiên hãy chắc chắn đặt chúng xa bếp gas.
Bởi trong những thứ này chứa cồn, nếu gặp ngọn lửa chắc chắn sẽ bốc cháy và khiến ngọn lửa bùng lên dữ dội. Việc này đặc biệt nguy hiểm nếu người dùng không phản ứng kịp thời hoặc tại thời điểm đó đang có người già và trẻ nhỏ ở khu vực bếp.
4. Bật lửa
Trong quá trình sử dụng, đôi lúc bếp gas sẽ gặp phải tình trạng khó đánh lửa. Vì vậy nhiều người thường có thói quen dùng bật lửa để cứu cánh cho trường hợp này, để mồi bếp. Sau khi dùng bật lửa, có thể do vô tình mà người dùng lại đặt bật lửa ngay cạnh bếp. Việc làm này vô cùng nguy hiểm.
Bản chất bật lửa cũng là thứ tạo ra ngọn lửa do chứa xăng hoặc butan. Bỏ quên bật lửa cạnh bếp gas là sai lầm nghiêm trọng, có thể gây cháy nổ nguy hiểm. Chính vì vậy người dùng cần đặc biệt lưu ý với vật dụng này.
5. Các loại giấy báo, túi nilon
Xếp cuối cùng trong danh sách được các chuyên gia đưa nên đặt xa bếp gas chính là các loại giấy báo và túi nilon. Thói quen sử dụng giấy báo và túi nilon để gói, bọc, đựng các loại thực phẩm trong căn bếp vẫn phổ biến ở nhiều gia đình. Sau khi sử dụng xong, đa phần chúng sẽ được bỏ lại trên bàn bếp, vô tình gần với bếp gas.
Việc này không chỉ gây mất thẩm mỹ cho căn bếp, khiến căn bếp trở nên bừa bộn mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ. Đặc biệt với túi nilon, khi bắt lửa không chỉ gây nguy hiểm mà còn gây ra mùi khó chịu, độc hại bởi về bản chất, túi nilon chính là nhựa.
Tốt hơn hết, khi sử dụng xong các loại giấy báo và túi nilon, người dùng nên gấp gọn và cất chúng đi trước khi thao tác các công việc khác trong căn bếp nhà mình.
Ngoài danh sách 5 cái tên trên, các vật dụng chạy bằng điện như bình siêu tốc, lò vi sóng hay các loại dây sạc cũng được chuyên gia khuyến cáo không nên đặt gần bếp gas. Một số lưu ý an toàn khác khi sử dụng bếp gas như sau:
- Trong thời gian dài không sử dụng, đặc biệt khi gia chủ vắng nhà, nên khóa van bình gas để tránh việc rò rỉ khí gas.
- Quan sát bếp gas trong suốt quy trình nấu nướng.
- Không để trẻ em sử dụng bếp gas.
- Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh và bảo dưỡng bếp gas.
- Nếu bếp gas đã quá cũ hoặc xảy ra hỏng hóc, cần khắc phục, sửa chữa kịp thời hoặc thay mới.
|