Tốc độ trao đổi chất chậm khiến bạn dễ tăng cân, khó giảm cân, mỡ bụng nhiều, da khô, móng tay giòn và tóc dễ gãy rụng.
Trao đổi chất là quá trình chuyển đổi thức ăn thành năng lượng để cơ thể hoạt động. Người có cơ chế trao đổi chất chậm có thể gặp một số vấn đề dưới đây.
1. Dễ tăng cân
Tiến sĩ, bác sĩ đa khoa Mashfika N. Alam làm việc tại Icliniq (Mỹ) chỉ ra nếu bạn ăn uống lành mạnh và tập luyện đều đặn mà vẫn tăng cân thì có thể do quá trình trao đổi chất chậm hơn bình thường. Vấn đề này thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là những người có số đo vòng hai lớn. Trao đổi chất chậm gây tích tụ mỡ thừa, tập trung nhiều ở vùng bụng.
2. Khó giảm cân
Trao đổi chất chậm khiến bạn dễ tăng cân và khó giảm cân hơn ngay cả khi tập thể dục tích cực. Tiến sĩ Alam cho biết nếu tình trạng này kéo dài, dù đã điều chỉnh chế độ ăn và phương pháp tập luyện, bạn nên tới gặp bác sĩ để được tư vấn chuyên sâu cách cải thiện tốc độ trao đổi chất.
3. Thường xuyên mệt mỏi
Giáo sư y khoa, bác sĩ nội tiết Heather L. Hofflich tại UC San Diego (Mỹ) cho biết ngoài những vấn đề cân nặng, quá trình trao đổi chất chậm còn khiến bạn thấy mệt mỏi kéo dài.
4. Da khô
Quá trình trao đổi chất chậm khiến các tế bào da không được cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết, da mất đi độ mềm mại, trở nên khô ráp.
5. Tóc rụng
Tiến sĩ Alam chỉ ra thiếu hụt vi chất dinh dưỡng do tốc độ trao đổi chất chậm là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc.
6. Móng tay dễ gãy
Móng tay giòn hơn, các đường gờ trên móng tăng lên, móng dễ gãy và mọc chậm hơn là những dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, ảnh hưởng từ tốc độ trao đổi chất chậm.
7. Thèm đồ ngọt và tinh bột
Bác sĩ Caroline Caderquist, làm việc tại Naples, Florida (Mỹ), tác giả của cuốn sách The MD Factor Diet, cho biết sự trao đổi chất chậm có thể liên quan đến tình trạng kháng insulin. Một dấu hiệu thường gặp của tình trạng này là thèm ăn đồ chứa nhiều đường và tinh bột. Khi cơ thể không sử dụng insulin đúng cách, các tế bào không thể hấp thụ glucose dẫn đến thèm đường và các loại carb. Vấn đề là, bạn càng ăn nhiều đường và tinh bột, cơ thể càng không thể xử lý chúng và bạn có nhiều khả năng tích tụ mỡ thừa, suy giảm năng lượng, cảm thấy mệt mỏi.
8. Táo bón
Tốc độ trao đổi chất chậm khiến thời gian vận chuyển của ruột chậm hơn. Thức ăn mất nhiều thời gian hơn để đi qua hết đường tiêu hóa, dễ gây ra tình trạng táo bón.
|