12/17
Sau đại dịch, tốc độ phục hồi của các nền kinh tế giàu nhất thế giới, như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang ngày càng khác nhau.
Tăng trưởng toàn cầu đang chịu sức ép từ chiến sự, căng thẳng chính trị, tác động hậu Covid-19, lạm phát và lãi suất cao. Tuy nhiên, thế giới vẫn còn nhiều điểm sáng. Một trong số đó là Mỹ.
GDP Mỹ tăng vượt dự báo trong quý III, với 5,2%. "Tốc độ tăng trưởng của Mỹ một năm qua thực sự vượt trội so với các nước giàu khác", Innes McFee – kinh tế trưởng tại Oxford Economics cho biết trên CNN.
Mỹ đang vượt lên trên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada và nhiều nền kinh tế tiên tiến khác năm nay. Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là cái tên mới nhất nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ năm nay và năm tới. Trong khi đó, triển vọng của 20 nước khu vực đồng euro lại bị hạ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng có động thái tương tự trong tháng 10. IMF hiện dự báo Mỹ tăng trưởng 2,1% năm nay và 1,5% năm tới. Tốc độ này cao gấp đôi Anh và bỏ xa khu vực đồng euro. Eurozone được dự báo chỉ tăng trưởng 0,7% năm nay và 1,2% năm sau.
Giới phân tích cho rằng có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự khác biệt này, là giá năng lượng, các chương trình kích thích hậu đại dịch và tác động từ lãi suất cao. Các vấn đề về cấu trúc cũng góp phần gây ra điều này.
Giá năng lượng
Kinh tế trưởng tại OECD Clare Lombardelli tuần trước cho biết trước báo giới rằng tác động từ giá năng lượng tăng vọt là nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Mỹ và eurozone ngày càng khác nhau.
Lạm phát tại châu Âu cao hơn Mỹ, do khu vực này nhập khẩu ròng năng lượng. Anh và các nước eurozone chịu tác động lớn từ giá khí đốt tăng cao sau chiến sự Ukraine đầu năm ngoái. Việc này khiến hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp lên cao kỷ lục.
"Dầu thô là hàng hóa toàn cầu, nhưng khí đốt lại chia theo khu vực. Giá khí đốt không tăng cao tại Mỹ, nhưng lại tăng vọt ở châu Âu. Điều này ảnh hưởng lớn đến GDP. Một số tác động vẫn còn hiện hữu", Preston Caldwell - kinh tế trưởng tại Morningstar Research Services nhận định.
Đức cảm nhận rõ nhất cú sốc năng lượng, do lĩnh vực sản xuất có quy mô khổng lồ và phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga thời điểm đó. Trong quý III, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã co lại. Một số nhà kinh tế học dự báo Đức rơi vào suy thoái.
Chính sách tài khóa và tiền tệ
Dù phần lớn các nước tăng kích thích để xoa dịu tác động từ Covid-19, Mỹ lại thực hiện việc này với quy mô lớn hơn nhiều. Các khoản hỗ trợ hào phóng từ chính phủ, cộng với việc thay đổi thói quen tiêu dùng và lãi suất thấp kỷ lục đã giúp túi tiền của người dân Mỹ không vơi đi nhiều.
Các khoản tiết kiệm từ trong đại dịch giúp người Mỹ thoải mái chi tiêu, bất chấp giá tăng, Carsten Brzeski - Giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại ngân hàng ING (Hà Lan) nhận định. Điều này đã bù đắp ảnh hưởng từ lạm phát. Tiêu dùng hiện vẫn là động lực chính của kinh tế Mỹ.
Tác động từ lãi suất cao
Người Mỹ cũng chưa hoàn toàn cảm nhận hết tác động từ lãi suất cao. Người vay mua nhà và doanh nghiệp tại Mỹ phải tái cấp vốn khoản vay (refinance) với tần suất thấp hơn so với các nước khác. Việc này khiến chính sách tiền tệ mất nhiều thời gian hơn mới tác động được đến nền kinh tế, McFee nhận định.
Dù vậy, người Mỹ vài năm qua đã tiêu tiền tiết kiệm khá mạnh tay. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác vẫn chưa động đến khoản này. McFee cho rằng điều đó có thể khiến Mỹ sau này dễ tổn thương hơn.
Nhiều nhà kinh tế học cũng cho rằng dù kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng vượt dự báo, điều này khó có thể duy trì. GDP Mỹ được dự báo chậm lại từ quý này và kéo dài sang cả năm sau.
Caldwell cho rằng Mỹ có thể chỉ tăng trưởng dưới 1% trong quý II và quý III/2024. "Chỉ là giảm tốc thôi, không phải tăng trưởng âm hay suy thoái. Tôi cho rằng suy thoái vẫn có khả năng xảy ra, nhưng xác suất không cao đâu", ông nói.
Một số CEO ngân hàng, trong đó có Jane Fraser của Citigroup và Jamie Dimon của JPMorgan Chase gần đây cũng bi quan về kinh tế Mỹ. Fraser không nhận thấy rủi ro suy giảm đáng kể, nhưng cho rằng một cuộc suy thoái vẫn đang tới gần. "Suy thoái có thể là kết quả của nhiều yếu tố, gồm lạm phát dai dẳng trong lĩnh vực dịch vụ, mức nợ tăng, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và xung đột ở châu Âu, Trung Đông", bà cho biết.
CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon cũng thúc giục người Mỹ chuẩn bị cho một cuộc suy thoái. "Rất nhiều thứ ngoài kia đang tăng giá và rất nguy hiểm. Hãy sẵn sàng cho điều đó. Lãi suất có thể tăng và điều này sẽ kéo theo suy thoái", ông cho biết trong một hội nghị tại New York tuần trước.
|